Các giai đoạn dẫn đến suy gan

Suy gan là tình trạng gan bị suy yếu dẫn đến nhiều chức năng quan trọng của gan hoạt động không hiệu quả. Nhiễm trùng, lạm dụng rượu và di truyền đều có thể dẫn đến suy gan. Suy gan có nhiều giai đoạn, nó sẽ dần dần ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của gan.


Các giai đoạn của suy gan

1. Suy gan là gì?

Nội dung chính

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể và thực hiện một số chức năng quan trọng. Gan tiết mật giúp tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể sử dụng. Nó lọc các chất độc hại từ máu, ví dụ như rượu, và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Một số tác nhân như virus và rượu bia có thể gây tổn thương gan, dẫn đến suy ganSuy gan là một tình trạng nghiêm trọng, nên được điều trị ngay lập tức.

Cần phân biệt giữa bệnh gan và suy gan. Bệnh gan đề cập đến bất kỳ tình trạng nào gây viêm hoặc tổn thương gan. Bệnh gan có thể ảnh hưởng đến chức năng tổng thể của gan. Suy gan là khi gan bị mất một số hoặc tất cả các chức năng, có thể xảy ra do tổn thương do bệnh gan gây ra.

Suy gan có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính. Suy gan cấp tính diễn ra nhanh chóng, khiến gan bị mất chức năng trong vài ngày hoặc vài tuần. Nó có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Suy gan mạn tính phát triển chậm hơn. Nó có thể phát triển trong vài tháng hoặc nhiều năm trước khi biểu hiện triệu chứng ra ngoài. Suy gan mạn tính thường là hậu quả của bệnh xơ gan.

Suy gan có các giai đoạn:

– Viêm

– Xơ hóa

– Xơ gan 

– Bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD)

– Ung thư gan

2. Các giai đoạn suy gan

Thiệt hại do bệnh gan có thể tích tụ theo nhiều giai đoạn, sẽ ngày càng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của gan.

a. Viêm

Viêm gan là tình trạng tổn thương gan, gan trở nên to ra và các tế bào bị viêm hiện diện trong mô gan. Nhiều người bị viêm gan mà không có triệu chứng, thậm chí là nhìn bề ngoài vẫn khỏe mạnh mặc dù bệnh đã tiến triển. Viêm gan cấp tính nếu không được điều trị có thể trở thành mạn tính và tạo ra tổn thương vĩnh viễn. 

b. Xơ hóa

Xơ hóa gan xảy ra khi gan bị viêm chuyển thành sẹo. Các mô khỏe mạnh của gan bị thay thế bởi mô sẹo, nhưng mô sẹo không thể thực hiện các chức năng tương tự như mô khỏe mạnh. Do đó, nó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của gan. Xơ hóa là giai đoạn đầu của sẹo gan. Một khi gan đã bị xơ hóa thì không thể chữa lành.

Xơ hóa gan ở giai đoạn nhẹ và trung bình thường không được chẩn đoán vì nó ít khi xuất hiện triệu chứng cho đến khi gan bị tổn thương nhiều hơn. Khi đó, bạn có thể gặp các triệu chứng như: chán ăn, vàng da, buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi…

c. Xơ gan


Gan khỏe mạnh và gan bị suy 

Xơ gan là tình trạng gan bị sẹo nghiêm trọng và chức năng gan kém, khó hoạt động bình thường. Xơ gan làm cho gan cứng và co lại, dẫn đến gan không thể nhận được chất dinh dưỡng từ dòng máu chảy qua tĩnh mạch cửa.

Các triệu chứng của xơ gan thường bắt đầu biểu hiện khi có rối loạn chức năng gan như gan không còn các khả năng: lọc máu, phân hủy chất độc, sản xuất protein đông máu, hấp thu chất béo và các vitamin tan trong chất béo. Một số triệu chứng thường gặp là: chán ăn, chảy máu mũi, vàng da, tĩnh mạch hình nhện nhỏ bên dưới da, giảm cân, ngứa da, mệt mỏi…

d. Bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD)

Bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD) đề cập đến tình trạng chức năng gan suy giảm và cấu trúc gan bị phá hủy nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi được. Nó không thể đảo ngược bằng phương pháp điều trị nào khác ngoài ghép gan, các liệu pháp khác chỉ giúp giảm nhẹ.
ESLD là một chẩn đoán giai đoạn cuối cho các triệu chứng như đau, mệt mỏi, đau bụng thứ phát, cổ trướng và lú lẫn. Chất lượng cuộc sống của bạn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biến chứng về thể chất và tâm lý.

e. Ung thư gan

Ung thư gan thường xảy ra ở những người bị xơ gan, tuy nhiên nó có thể phát triển ở bất kỳ giai đoạn nào của suy gan. Ung thư gan nguyên phát là khi ung thư khởi phát và phát triển ngay tại gan. Một số triệu chứng phổ biến của ung thư gan bao gồm:

– Giảm cân không giải thích được

– Đau bụng hoặc sưng bụng

– Chán ăn hoặc cảm thấy no dù chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ

– Buồn nôn hoặc nôn mửa

– Vàng da, vàng mắt

– Ngứa da

3. Nguyên nhân gây suy gan


Virus viêm gan là nguyên nhân phổ biến gây suy gan

Suy gan cấp tính và mạn tính có thể xảy ra do các nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân gây suy gan cấp tính

– Nhiễm virus viêm gan A, B hoặc C

– Sử dụng acetaminophen (tylenol) quá liều

– Phản ứng với thuốc theo toa như thuốc kháng sinh, NSAID hoặc thuốc chống động kinh

– Phản ứng với các chất bổ sung thảo dược, chẳng hạn như ma hoàng (thảo ma hoàng), hoàng cầm (chi Scutellaria) và kava (xuất phát từ rễ của cây bụi (piper methysticum) phát triển ở Nam Thái Bình Dương)

– Bệnh Wilson

– Tình trạng tự miễn, ví dụ như viêm gan tự miễn 

– Bệnh ảnh hưởng đến các tĩnh mạch gan, ví dụ như hội chứng Budd-Chiari

– Tiếp xúc với chất độc, chẳng hạn như hóa chất công nghiệp hoặc nấm độc hoang dã

Suy gan cấp tính có thể do di truyền, khi một gen bất thường từ cha hoặc/và mẹ được di truyền. 

Nguyên nhân gây suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính do tổn thương gan phát triển chậm theo thời gian. Một số nguyên nhân gây suy gan mạn tính là:

– Viêm gan B mạn tính hoặc nhiễm viêm gan C 

– Bệnh gan liên quan đến rượu

– Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

– Viêm gan tự miễn

– Các bệnh ảnh hưởng đến đường mật, ví dụ như viêm đường mật

Đôi khi, bạn cũng có thể bị suy gan mà không xác định được nguyên nhân.

4. Các triệu chứng của suy gan 

Triệu chứng của suy gan cấp tính

Suy gan cấp tính thường xảy ra ở những người không có triệu chứng nào từ trước. Đây là một trường hợp khẩn cấp cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.

Các triệu chứng của suy gan cấp tính bao gồm:

– Vàng da và mắt

– Thay đổi ý thức (cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng)

– Buồn nôn hoặc nôn mửa

– Rối loạn đông máu

– Cảm thấy khó chịu

– Mệt mỏi hoặc buồn ngủ

– Đau bụng hoặc sưng bụng

Các triệu chứng của suy gan mạn tính

Ban đầu, suy gan mạn tính có thể không có triệu chứng hoặc gây ra ít triệu chứng như:

– Cơ thể mệt mỏi

– Cảm giác không ngon miệng, chán ăn

– Buồn nôn hoặc nôn mửa

– Bụng cảm thấy khó chịu hoặc đau nhẹ

Khi suy gan mạn tính tiến triển, bạn có thể gặp các triệu chứng:

– Vàng da và mắt

– Xuất huyết dưới da

– Thay đổi ý thức (cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng)

– Cổ trướng và phù nề (tích nước trong bụng, cánh tay hoặc chân)

– Nước tiểu sẫm màu

– Ngứa da nghiêm trọng

5. Chẩn đoán suy gan

Một số xét nghiệm được dùng để chẩn đoán suy gan là:

– Xét nghiệm máu cho biết các chỉ số về chức năng gan và xác định có nhiễm virus viêm gan hay không.

– Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT hoặc MRI cho thấy hình ảnh của gan, các tổn thương và mức độ tổn thương.

– Sinh thiết lấy mô từ gan để xác định mô sẹo và hỗ trợ tìm ra nguyên nhân gây ra suy gan.

6. Cách phòng ngừa suy gan


Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra chức năng gan

Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa suy gan bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Dưới đây là một số lời khuyên để cải thiện sức khỏe của gan:

– Hạn chế uống rượu, không được uống thuốc với rượu.

– Không tự ý sử dụng thuốc không kê đơn và chỉ sử dụng đúng theo liều lượng được hướng dẫn. Không tự ý sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

– Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách có chế độ ăn uống và rèn luyện lành mạnh.

– Tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan A và B. Hiện nay chưa có vắc xin ngừa viêm gan C, nhưng viêm gan C có thể điều trị được. Còn viêm gan B không thể chữa khỏi và bắt buộc phải theo dõi suốt đời.

– Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra chức năng gan.

Suy gan là khi gan của bạn không thể hoạt động bình thường. Suy gan dù là cấp tính hay mạn tính đều được xem là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng cần được can thiệp y tế kịp thời. Ở giai đoạn đầu, suy gan có thể chữa lành theo thời gian. Nhưng khi suy gan tiến triển thì chức năng gan gần như không thể hồi phục. Đến cuối cùng cần phải ghép gan.

Nếu bạn bị suy gan, bạn cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để đảm bảo các tổn thương không tiến triển hoặc không có thêm tổn thương nào mới. Nếu bạn đang lo lắng về tình trạng gan của mình, bạn có thể đến cơ sở y tế để kiểm tra định kỳ.

(Nguồn www.umcclinic.com.vn)