Thông tin bạn cần biết về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới gây ra do sự trào ngược máu ở các tĩnh mạch nông hoặc tĩnh mạch sâu ở chân, xảy ra khi các van tĩnh mạch bị hư hỏng hoặc bệnh tật, có hoặc không có tắc nghẽn tĩnh mạch kèm theo, dẫn đến suy tĩnh mạch hoặc giãn tĩnh mạch. 


Suy giãn tĩnh mạch là bệnh rất phổ biến

1. Giải phẫu hệ thống tĩnh mạch chân

Nội dung chính

Hệ tĩnh mạch chân là 1 hệ thống dẫn lưu máu từ chân về tim, gồm 2 phần chính:

– Những tĩnh mạch nông là những tĩnh mạch nằm ngay dưới da.

– Những tĩnh mạch sâu bao gồm những tĩnh mạch nằm sâu trong cơ. Hệ tĩnh mạch sâu dẫn lưu 90% lượng máu ở chân về tim.

Hai hệ thống tĩnh mạch được kết nối thông qua các nhánh tĩnh mạch xuyên, theo hướng từ nông vô sâu.

2. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?

Giãn tĩnh mạch chi dưới là sự giãn đường kính (>3mm) của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông dưới da. Các tĩnh mạch này có thể trở nên vặn xoắn hoặc thay đổi chiều dài 1 cách bất thường. 

Giãn tĩnh mạch là dấu hiệu thường gặp nhất của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính.

Giãn tĩnh mạch chi dưới thường được quan sát thấy ở hệ tĩnh mạch nông như tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé. Các tĩnh mạch giãn có thể xuất hiện ở vùng cẳng chân cũng như vùng đùi lên đến nếp bẹn.

3. Sinh lý bệnh của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bình thường, máu từ tĩnh mạch chân trở về tim, được đẩy ngược lại trọng lực bằng nhiều cách khác nhau (sự co cơ bắp của chân hoạt động như 1 máy bơm, lòng bàn chân đè xẹp đẩy máu khi đi bộ…) kèm với các van trong tĩnh mạch ngăn cản sự trào ngược.

Sự xuất hiện của giãn tĩnh mạch thường do các van tĩnh mạch bị suy yếu, không đóng chặt dẫn đến máu quay ngược trở lại, ứ đọng trong các tĩnh mạch và làm giãn tĩnh mạch.


Sự trào ngược máu gây giãn tĩnh mạch

4. Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Trước khi xuất hiện các tĩnh mạch giãn, suy tĩnh mạch chi dưới có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác như:

– Cảm giác nặng bắp chân.

– Cảm giác khó chịu hoặc co giật bắp chân.

– Cảm giác bất thường (nóng rát, điện giât, dị cảm…) ở chi dưới.

– Ngứa, chuột rút trong bắp chân, thường xảy ra vào ban đêm.

– Phù mắt cá, bắp chân hoặc đùi, tăng lên khi nhiệt độ nóng, mất khi nằm, chân được nâng lên.

– Tĩnh mạch mạng nhện: là mạng lưới các mạch máu nhỏ, màu đỏ, dưới da, đôi khi có dạng hình sao. 

Những triệu chứng này giảm đi khi nằm, khi chân được nâng lên, khi tiếp xúc với lạnh hoặc khi tập thể dục. 

Ngược lại, chúng tăng lên trong suốt ngày, khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng (phòng xông hơi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sưởi ấm sàn nhà…), khi đứng hoặc ngồi lâu, khi tăng cân, khi mang thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt.

Ở giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch, ta có thể quan sát thấy sự giãn nở của một hoặc nhiều tĩnh mạch, ban đầu chúng là mảnh vải mong manh (dưới 3 mm đường kính). Sau đó, chúng trở nên rõ ràng hơn và có màu xanh da trời và uốn cong, có thể cảm nhận được dưới da của bắp chân hoặc đùi. 

Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể xuyết hiện các vết loét, hoại tử bàn chân, cẳng chân.


Tĩnh mạch giãn giống như mạng nhện

5. Yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh tĩnh mạch chi dưới là 1 bệnh rất phổ biến với 30-50% nữ giới và 15-30% nam giới mắc bệnh.

Ở nữ giới, nguy cơ của bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Các triệu chứng thường rõ ràng hơn vào trước khi kinh nguyệt bắt đầu vài ngày. Bệnh hay xảy ra trong thai kỳ.

Các yếu tố tư thế, cách sống, hoạt động thể chất là yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

– Đứng lâu hoặc trong trạng thái bất động trong thời gian lâu.

– Những người có công việc ít vận động, ngồi nhiều. 

– Tiếp xúc với nhiệt (phòng xông hơi, tiếp xúc với ánh nắng) trong thời gian rảnh hoặc trong điều kiện sống và làm việc cũng gây ra sự giãn nở của tĩnh mạch, làm nặng cảm giác chân đau và mệt mỏi. 

– Giảm hoạt động thể chất, tình trạng thừa cân có thể gây ra cảm giác chân nặng và thậm chí là tĩnh mạch suy giãn. 
Ngoài ra, di truyền cũng có thể đóng góp một phần nào đó làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở một người.


Người thừa cân béo phì có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch

6. Tiến triển của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Cuộc sống của mỗi người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch là khác nhau. Bệnh có thể ổn định suốt cuộc đời hoặc tiến triển dần, thậm chí là gây ra các biến chứng.

Biến chứng cấp của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

– Huyết khối tĩnh mạch nông hoặc viêm tĩnh mạch nông.

– Huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tĩnh mạch sâu.

– Vỡ giãn tĩnh mạch.

Biến chứng mạn của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

– Sự chậm lại trong tuần hoàn tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch, gây ra biến chứng trên da như viêm da cơ địa, phù hoặc ngứa trên chân.

– Rối loạn dinh dưỡng da và mô dưới da

– Loét ở chân, đây là biến chứng đáng sợ nhất và là giai đoạn cuối của bệnh. Thường xuất hiện vết loét ở mắt cá chân, có thể đi kèm với phù. Nếu không được điều trị, loét trở nên mạn tính. Nó không lành và gây ra nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và, trong một số trường hợp hiếm, biến đổi ung thư.

Hệ thống được áp dụng phân chia theo CAEP, trong đó giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng trên lâm sàng được phân thành C1-C6 như sau:

– C1: Giãn tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới

– C2: Giãn tĩnh mạch lớn dưới da >3mm

– C3: Phù

– C4: Biến đổi cấu trúc da và mô dưới da (chàm)

– C5: Loét có thể lành

– C6: Loét không lành


Suy giãn tĩnh mạch tiến triển dần gây ra biến chứng

7. Chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới bao gồm:

– Khám lâm sàng để đánh giá mức độ và giai đoạn bệnh, khám ở tư thế đứng.

– Xác nhận chẩn đoán bằng siêu âm Doppler ở tư thế đứng. 

Siêu âm có thể xác định tổn thương của van tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, tĩnh mạch sâu và các van tĩnh mạch xuyên để giúp lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.

8. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị suy giãn tĩnh mạch bao gồm thúc đẩy lưu thông máu tĩnh mạch và/hoặc loại bỏ các tĩnh mạch nông bị bệnh. Việc thúc đẩy lưu thông tĩnh mạch được áp dụng cho tất cả các giai đoạn bệnh suy tĩnh mạch, bằng các biện pháp thay đổi lối sống, nén bắp chân giảm giãn tĩnh mạch…

a. Nén bắp chân bằng vớ

Nén bắp chân bằng vớ giảm thiểu sự giãn nở của tĩnh mạch và tăng tốc độ lưu thông máu tĩnh mạch. Nó giảm kích thước của chi với tác dụng chống phù. Nó cải thiện hiệu quả của cơ bắp bơm chân khi đi bộ.

Nến bắp chân bằng vớ được chỉ định ngay từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh. Bác sĩ chỉ định loại vớ tĩnh mạch phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân (loại, chiều cao, thời gian) và mức độ bệnh. Hiệu quả của nó đòi hỏi việc sử dụng vớ thường xuyên.

b. Chích xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch

Ở hầu hết các bệnh nhân, chích xơ tĩnh mạch đem lại hiệu quả tốt, có thể loại bỏ 50-80% các tĩnh mạch được tiêm trong mỗi lần tiêm. 

Các tĩnh mạch mạng nhện đáp ứng với điều trị từ 3-6 tuần lễ. Các tĩnh mạch lớn sẽ cần thời gian lâu hơn từ 3-4 tháng. Sau khi điều trị thường các tĩnh mạch này sẽ không xuất hiện trở lại. Song các tĩnh mạch mới vẫn có thể xuất hiện sau đó. Trong trường hợp cần thiết, có thể chích xơ nhiều lần. 

Một số ít bệnh nhân không đáp ứng với thuốc chích xơ tĩnh mạch thì bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp điều trị khác, ví dụ như liệu pháp laser hay phẫu thuật.


Chích xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

c. Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần (RFA) hoặc laser hoặc bơm keo

Phương pháp sóng cao tần (RFA), laser hoặc bơm keo là những liệu pháp được chỉ định trong trường hợp có triệu chứng và mục tiêu của chúng là “phá hủy” các tĩnh mạch nông (tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé) bệnh lý.  

Các phương pháp này có ưu điểm là ít xâm lấn, tính thẩm mĩ cao và tỉ lệ thành công lên tới 90-100%. Các phương pháp này được thực hiện dưới gây tê tại chỗ. 

Các triệu chứng thường thoái lui từ 1-7 ngày sau thủ thuật và bệnh nhân có thể nhanh chóng trở về sinh hoạt bình thường sau 5 ngày. Bệnh nhân sau thủ thuật tiếp tục mang vớ tĩnh mạch trong vòng 2 tuần và siêu âm kiểm tra lại sau 1 tuần. 


Điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch

d. Sử dụng thuốc

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính hiệu quả của thuốc trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tĩnh mạch, nhưng thuốc tăng cường tĩnh mạch có thể hữu ích để cải thiện các triệu chứng. 

Thuốc được chỉ định dùng trong một chu kỳ ba tháng và có thể tiếp tục sau khi các triệu chứng tái phát. Tuy nhiên, thuốc không thể thay thế cho các lời khuyên về lối sống lành mạnh và việc sử dụng vớ áp lực.

(Nguồn www.umcclinic.com.vn)