Hội chứng tiêu cơ vân là một hội chứng chỉ tình trạng các tế bào cơ vân bị tổn thương và bị huỷ hoại dẫn đến việc giải phóng các chất trong tế bào cơ vào máu như: kali, axit uric, axit lactic, myoglobin hay các enzym làm rối loạn điện giải, toan chuyển hoá thậm chí là gây suy thận cấp.
1. Khái niệm tiêu cơ vân
Nội dung chính
Vào năm 1941, hội chứng tiêu cơ vân được biết đến với tên gọi “Hội chứng vùi lấp”, do Bywaters và Beal sau khi theo dõi đã phát hiện một hội chứng lâm sàng đặc biệt có ở các nạn nhân bị bom vùi. Ban đầu những người này được sơ cứu và không có dấu hiệu nào cho thấy bất thường, tuy nhiên sau đó bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu: giảm huyết áp, mạch nhanh, trong nước tiểu thấy có myoglobin, nước tiểu ít có thể vô niệu. Số bệnh nhân mắc hội chứng này tử vong trong vòng 10 ngày trong tình trạng bệnh cảnh sốc và bị suy thận cấp.
Nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà nghiên cứu đã có hiểu biết đầy đủ hơn về hội chứng này kể từ những năm 70. Bên cạnh đó xuất hiện những trường hợp có biểu hiện giống như bị vùi lấp nhưng không do chấn thương gây ra – những trường hợp này được gọi là mắc hội chứng nguyên nhân từ nội khoa. Kể từ đó, “Hội chứng vùi lấp” được gọi chung với cái tên mới là Hội chứng tiêu cơ vân cấp.
Hội chứng tiêu cơ vân là một hội chứng lâm sàng, sinh học làm huỷ hoại các tế bào cơ vân, làm giải phóng vào máu các thành phần của tế bào như: myoglobin, kali, photpho,… làm cho người bệnh bị rối loạn điện giải, toan chuyển hoá, sốc giảm thể tích và suy thận cấp.
Đây là hội chứng rất hay gặp cả trong cấp cứu nội và ngoại khoa. Việc bệnh nhân được chẩn đoán, có phác đồ điều trị sớm sẽ giúp hạn chế các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.
2. Nguyên nhân của hội chứng tiêu cơ vân
Người mắc hội chứng có thể có những tổn thương trực tiếp do các chấn thương từ tai nạn giao thông gây ra hoặc sập hầm, đổ nhà hoặc xảy ra động đất,… Cũng có những người mắc hội chứng do bị bỏng rộng đặc biệt vì bị điện giật hoặc sét đánh.
Nguyên nhân gây bệnh cũng được biết đến với các nguyên nhân từ bên trong như:
- Tắc động mạch cấp tính do chèn ép hoặc do hơi dẫn đến thiếu máu cục bộ cấp tính;
- Bệnh nhân tham gia các hoạt động thể thao dùng nhiều sức lực như chạy đường dài trong khi không được chuẩn bị tốt;
- Nhiễm độc cấp;
- Cơ thể bị nhiễm khuẩn, virus: uốn ván, viêm đa cơ gây mủ, nhiễm legionella;
- Thân nhiệt tăng quá cao hoặc giảm dưới 35 độ C trong thời gian dài;
- Kali, natri trong máu giảm;
- Nhiễm toan ceton;
- Hôn mê tăng thẩm thấu.
3. Chẩn đoán tiêu cơ vân cấp
- Bị tổn thương trực tiếp:
Sau khi bị tổn thương bởi những nguyên nhân như tai nạn giao thông hay sấp hầm, bệnh nhân có thể trạng còn tốt, chỉ có vài vết trầy xước trên da, da hơi xanh, tứ chi có cảm giác nặng nề, không có tổn thương xương. Một vài giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện bị phù ở những chỗ bị tổn thương, phù cứng, đau, nước tiểu màu đỏ sẫm sau đó chuyển màu khác và tiểu ít dần. Nếu không được nhanh chóng điều trị, người bệnh có thể biến chứng suy thận cấp và dẫn đến tử vong trong vòng 10 ngày.
- Không do chấn thương:
Tuỳ vào các nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có những biểu hiện khác nhau: hoảng loạn, da tái, nhịp thở nhanh sâu, lơ mơ sau đó hôn mê, mạch nhanh, huyết áp tụt dần, nước tiểu sẫm màu sau đó chuyển màu khác, tiểu ít và vô niệu sau vài ngày.
4. Yếu tố nguy cơ tiêu cơ vân cấp biến chứng suy thận cấp
Bệnh nhân mắc hội chứng tiêu cơ vân cấp có nguy cơ cao bị biến chứng suy thận cấp nếu gặp các triệu chứng như: nước tiểu có màu đỏ nâu, sốc chấn thương, huyết áp tâm thu đo được nhỏ hơn 90mmHg, có biểu hiện suy hô hấp cấp hoặc bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiêu cơ vân cấp và được tiến hành điều trị muộn hơn 12 giờ sau khi có những triệu chứng mắc bệnh đầu tiên.
(Nguồn www.vinmec.com)