Điều trị tăng áp động mạch phổi

Đã đăng trên Y học thường thức 602 lượt xem

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa – Khoa khám bệnh và Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tăng áp động mạch phổi là sự tăng bất thường áp lực trong các động mạch phổi. Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng rất nặng nề và nguy cơ dẫn đến tử vong. Các phác đồ điều trị tăng áp phổi cùng với những loại thuốc mới được đưa vào sử dụng giúp làm tăng hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống người bệnh.

1. Tăng áp động mạch phổi là gì?

Nội dung chính

Áp lực động mạch phổi bình thường là 15-20mmHg. Tăng áp động mạch phổi xảy ra khi áp lực máu trong động mạch phổi lúc nghỉ ngơi ≥ 25mmHg và lúc vận động ≥ 30mmHg.

Bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng đặc hiệu hoặc triệu chứng rất nhẹ, thường bị bỏ qua. Khi xuất hiện các triệu chứng như khó thở gắng sức, mệt, đau ngực, ho ra máu, phù chân, ngất,… thì bệnh thường đã ở giai đoạn nặng.

Tăng áp động mạch phổi gồm tăng áp động mạch phổi nguyên phát (IPH), là dạng tăng áp động mạch phổi không tìm thấy nguyên nhân, và tăng áp động mạch phổi thứ phát là dạng tăng áp động mạch phổi được gây ra bởi một số bệnh lý như: thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi), các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, rối loạn mô liên kết như lupus ban đỏ, AIDS,…

Tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị tích cực và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Gây suy tim phải, tiên lượng thường nặng và dẫn đến tử vong;
  • Làm tăng khả năng hình thành cục máu đông trong động mạch phổi, gây bệnh nhồi máu phổi, nếu các cục máu đông gây hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong.
  • Gây chứng loạn nhịp tim;
  • Ho ra máu và chảy máu trong phổi, đây là một biến chứng nặng đe dọa tính mạng người bệnh.
Tăng áp động mạch phổi gây rối loạn nhịp tim

2. Phác đồ điều trị tăng áp phổi

2.1. Điều trị hỗ trợ

  • Nghỉ ngơi, tránh gắng sức, tránh stress;
  • Thuốc chống đông đường uống: Liều wafarin khởi đầu 1mg/ngày, điều chỉnh liều phù hợp cho từng bệnh nhân. Nên chỉ định dùng thuốc chống đông cho tất cả bệnh nhân tăng áp động mạch phổi;
  • Thuốc lợi tiểu: Khi sử dụng thuốc lợi tiểu chú ý theo dõi chức năng thận, công thức máu để tránh nguy cơ suy thận. Có thể sử dụng các thuốc lợi tiểu sau:
    • Furosemid;
    • Furosemid kết hợp với thuốc lợi tiểu nhóm kháng Aldosteron như Spironolacton;
    • Idapamid.
  • Khi áp lực riêng oxy máu động mạch (PaO2) <60mmHg hoặc SpO2 >90%, cho bệnh nhân thở oxy liên tục;
  • Glycosid tim như Digoxin, tác dụng làm tăng cung lượng tim, tuy nhiên khi dùng kéo dài thì hiệu quả chưa rõ;
  • Nếu có loạn nhịp tim, điều trị bằng các thuốc chống loạn nhịp.

2.2 Điều trị nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi

Điều trị các bệnh lý gây tăng áp động mạch phổi thứ phát.

Trao đổi với bác sĩ điều trị về phương pháp điều trị phù hợp

2.3 Thuốc điều trị đặc hiệu

Thuốc chẹn kênh calci:

  • Thường chỉ định trong tăng áp động mạch phổi nguyên phát;
  • Các thuốc thường dùng là: Nifedipin, Diltiazem, Amlodipin;
  • Điều chỉnh liều cho phù hợp với đáp ứng của từng người bệnh, phải đo huyết áp bệnh nhân khi dùng từ liều thứ 2 trở đi. Chú ý đến các tác dụng phụ của nhóm thuốc chẹn calci như phù mắt cá chân, đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực,…

Nhóm ức chế enzym Phosphodiesterase-5:

  • Thường chỉ định cho bệnh nhân tăng áp động mạch phổi ở mức khó thở (NYHA II, III);
  • Thuốc sử dụng: Sildenafil liều ban đầu 25mg x 3 lần/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng người bệnh;
  • Tác dụng cải thiện triệu chứng, khả năng gắng sức của bệnh nhân. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu. Không dùng cho bệnh nhân đang dùng citrat.

Nhóm thuốc kháng thụ thể endotheline:

  • Thuốc thường sử dụng: Bosentan, liều 62,5mg x 2 lần/ngày trong tháng đầu tiên, điều chỉnh liều trong tháng tiếp theo cho phù hợp với người bệnh;
  • Thuốc giúp cải thiện triệu chứng và dung nạp gắng sức, khi sử dụng cần theo dõi chức năng gan. Chống chỉ định với bệnh nhân đang điều trị với cyclosporin hoặc glyburid.

Nhóm Prostacyclin:

  • Epoprostenol: Đối với các bệnh nhân tăng áp động mạch phổi nặng (phân loại III hoặc IV của NYHA) , thuốc được chứng minh là cải thiện đáng kể các hoạt động gắng sức, chất lượng cuộc sống và tỉ lệ sống sót của người bệnh. Liều điều trị khởi đầu là 2-4ng/kg/phút truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi đáp ứng và điều chỉnh liều, liều thường dùng là 20-40 ng/kg/phút. Các tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, bốc hỏa, đau đầu, đau hai bên quai hàm, nguy cơ nhiễm trùng chỗ tiêm, tắc catheter,…
  • Treprostinil: Liều tối ưu của thuốc là 50-100 ng/kg/phút, có thể truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Thuốc ổn định ở nhiệt độ phòng, có thời gian bán thải dài hơn Epoprostenol và tác dụng phụ tương tự Epoprostenol;
  • lloprost: Được chỉ định cho các bệnh nhân ở mức độ NYHA III, IV. Liều dùng 2,5-5 mcg dùng đường hít. Thời gian bán thải của thuốc rất ngắn nên phải sử dụng thường xuyên, thường là 2 giờ 1 lần. Tác dụng phụ thường gặp là ho và mẩn ngứa.

Tóm tắt các thuốc chính trong điều trị tăng áp phổi ở trẻ em:

(Lưu ý: Bảng dưới đây chỉ là hướng dẫn tham khảo. Người bệnh vẫn cần tuân thủ đúng theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ)

Tăng áp động mạch phổi là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi, tỉ lệ mắc bệnh trên thế giới là 2 – 25 người/1 triệu dân. Đây là bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao. Khi có các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau ngực, yếu cơ, chướng bụng, phù chi,… người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc bệnh.

(Nguồn www.vinmec.com)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *