Ðiều trị dự phòng giang mai bằng liệu pháp Doxy-PEP

Đã đăng trên Y học thường thức 35 lượt xem

Giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020 thế giới có khoảng 7,1 triệu trường hợp giang mai mới mắc từ 15 – 49 tuổi. Số ca mắc mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, chiếm 1,1 triệu. Ðối tượng mắc tập trung ở nhóm nguy cơ cao như gái mại dâm, nam giới quan hệ đồng tính.

Vi khuẩn giang mai rất yếu, chỉ sống được vài giờ ngoài cơ thể. Nhiệt độ thích hợp để nó phát triển là 37oC. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn và đường miệng. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ dùng nhiễm xoắn khuẩn hoặc lây qua các vết xước da, niêm mạc. Ngoài ra, giang mai có thể lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ bị giang mai sang con thời kỳ mang thai.

Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai” Bộ Y tế ban hành năm 2021,điều trị giang mai dựa trên triệu chứng và xét nghiệm xác định giang mai. Bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh phù hợp cho người bệnh theo hướng dẫn. Tuy nhiên, phần lớn bệnh giang mai không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rầm rộ nên người bệnh không biết kịp thời để đi khám bệnh.

Trong điều trị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, doxycyclin được khuyên sử dụng vì hiệu quả cao và chi phí điều trị thấp.

Hiện nay thế giới đang triển khai điều trị dự phòng nhiễm trùng lây truyền đường tình dục (STI) như giang mai, Chlamydia, lậu bằng liệu pháp doxy-PEP (Doxycycline Post-Exposure Prophylaxis) trên đối tượng nguy cơ theo khuyến cáo sau:

– Doxy-PEP cho nam giới và người chuyển giới nữ đang dùng PrEP HIV hoặc đang được chăm sóc HIV và 1) Quan hệ tình dục không dùng bao cao su với (các) bạn tình giới tính nam và 2) Ðã được chẩn đoán mắc STI do vi khuẩn trong vòng 1 năm qua và có nguy cơ tiếp xúc với STI.

– Doxy-PEP cho nam giới và người chuyển giới nữ không dùng PrEP HIV hoặc được chăm sóc HIV và 1) Quan hệ tình dục không dùng bao cao su với (các) bạn tình giới tính nam và 2) Ðã được chẩn đoán mắc STI do vi khuẩn trong vòng 1 năm qua và có nguy cơ tiếp tục tiếp xúc với STI.

– Chỉ định với nam giới: 1) Quan hệ tình dục không bao cao su với nhiều bạn tình giới tính nữ và 2) Ðã được chẩn đoán mắc STI do vi khuẩn trong 1 năm qua, cung cấp Doxy-PEP cho từng trường hợp cụ thể.

– Khi kê đơn Doxy-PEP, bác sĩ chỉ định dùng doxycyclin 200mg uống lý tưởng trong vòng 24 – 72 giờ sau khi quan hệ tình dục không bao cao su và tư vấn cho bệnh nhân về liệu pháp này.

– Người dùng Doxy-PEP cần được sàng lọc HIV, chlamydia, lậu và giang mai ít nhất 3 tháng/lần.

– Bác sĩ lâm sàng nên cung cấp PrEP HIV cho những người không nhiễm HIV và đang bắt đầu hoặc sử dụng Doxy-PEP.

– Bác sĩ nên điều trị HIV cho những người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc kháng virus và đang bắt đầu hoặc sử dụng Doxy-PEP.

Lưu ý: Doxy-PEP không hiệu quả 100% và không hiệu quả đối với tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đối với nam giới và người chuyển giới nữ có nguy cơ mắc STI đã tham gia chăm sóc sức khỏe tình dục định kỳ, Doxy-PEP giúp giảm khả năng mắc STI trên 50%.

Tóm lại, giang mai có thể chữa khỏi hoàn toàn và tùy từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ có hướng điều trị khác nhau. Hiện nay thế giới có xu hướng điều trị dự phòng giang mai sau phơi nhiễm bằng liệu pháp Doxy-PEP.

Tuy nhiên, điều quan trọng của phòng ngừa là giảm nguy cơ mắc bệnh STI thông qua thực hiện tình dục an toàn. Nếu nghi ngờ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm giang mai hoặc có những dấu hiệu cảnh báo, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.

(Nguồn thuocsuckhoe.vn)