Dấu hiệu nghiêm trọng do bệnh bạch hầu

Đã đăng trên Y học thường thức 32 lượt xem

70% ca mắc bệnh bạch hầu là trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5 – 10%. Viêm cơ tim là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu.

Theo Bộ Y tế, nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.

Bạch hầu chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu. Lây do tiếp xúc gần.

“Viêm cơ tim là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu. Ngoại độc tố (chất độc do vi khuẩn bạch hầu tiết ra) làm ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim”, bác sĩ Hoàng Công Minh, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý.

Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể vài tuần sau khi khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, người bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao.

Các biến chứng về tim thường gặp và được ghi nhận rõ ràng ở bệnh bạch hầu, do độc tố bạch hầu có ảnh hưởng lớn với tế bào cơ tim và hệ thống dẫn truyền tim. Viêm cơ tim xảy ra do sự thoái hóa của sợi cơ actin (sợi cơ này có vai trò liên kết với các tế bào tạo nên sự linh hoạt, sức mạnh của tim) dẫn đến suy giảm chức năng co bóp cơ tim.

Ở những bệnh nhân hồi phục sau bệnh, các tế bào cơ tim bị tổn thương hình thành mô xơ, có thể để lại di chứng tim lâu dài.

Biến chứng nặng ở người chưa tiêm chủng

Cũng theo bác sĩ Minh, biểu hiện biến chứng tim mạch trong bệnh bạch hầu rất đa dạng nhưng đặc trưng nhất là rối loạn chức năng co bóp cơ tim và rối loạn nhịp tim, đôi khi có viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc.

Viêm cơ tim bạch hầu xảy ra ở 10 – 20% số ca bệnh bạch hầu hô hấp. Đáng lưu ý, biến chứng này hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia cũng lưu ý, viêm cơ tim thường biểu hiện muộn vào cuối tuần thứ hai nhưng trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng thì có thể biểu hiện sớm hơn. Viêm cơ tim bạch hầu có tỷ lệ tử vong theo ca là 60 – 70%. Viêm cơ tim được coi là một tình trạng đe dọa tính mạng nhưng nếu được sử dụng huyết thanh chống bạch hầu kịp thời và chăm sóc hỗ trợ tích cực, có thể điều trị bệnh thành công.

Theo bác sĩ Minh, điều trị bệnh bạch hầu bao gồm sử dụng sớm thuốc kháng độc tố bạch hầu và kháng sinh. Tỷ lệ tử vong tăng hàng ngày do trì hoãn sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu, từ 4,2% trong 2 ngày đầu lên 24% vào ngày thứ năm của bệnh.

Thuốc kháng độc tố được coi là nền tảng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng và cần phải có sẵn. Ở Việt Nam, hiện chỉ có một số bệnh viện tuyến cuối có sẵn thuốc kháng độc tố bạch hầu để điều trị sớm.

Các triệu chứng bệnh bạch hầu bao gồm đau họng, khó chịu, ho, khàn giọng, nuốt đau, chảy nước mũi có máu và chảy nước bọt. Sốt thường nhẹ hoặc không sốt.

Đặc trưng tổn thương có màng màu trắng xám, ban đầu phủ amidan sau đó nhanh chóng lan đến lưỡi gà, vòm miệng mềm và thành sau của họng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, tổn thương gây cản trở đường thở, suy hô hấp. Tổn thương hệ thống xảy ra khi độc tố bạch hầu lan truyền vào máu, dẫn đến tổn thương tim, thận và dây thần kinh ngoại biên qua trung gian độc tố.

Với các phương pháp theo dõi và chẩn đoán hiện đại, chẳng hạn như theo dõi điện tim liên tục và siêu âm tim, các bác sĩ chẩn đoán và phát hiện sớm rối loạn chức năng tim và rối loạn nhịp ở bệnh nhân biến chứng do bạch hầu.

(Nguồn thanhnien.vn)