Nội dung chính
Tổng quát về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, vấn đề dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng để thai phụ có thể sinh ra một đứa bé khỏe mạnh, thông minh mà vẫn đảm bảo được sức khỏe.
Để tăng sức đề kháng và hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm, thai phụ khi mang thai nên đảm bảo chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi, giúp trẻ phát triển trí tuệ và các bộ phận khác, hạn chế sinh non hay sinh khó.
Vì vậy, không thể xem nhẹ vai trò của chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với sức khỏe của mẹ và bé.
Như vậy, tăng cân bao nhiêu là hợp lý cho một thai kỳ?
Cân nặng của bé lúc sinh có liên quan đến việc tăng cân của thai phụ. Số cân tăng khi mang thai tùy thuộc vào thể trạng của thai phụ trước khi mang thai thuộc vào loại nhẹ cân, bình thường hay thừa cân.
Đối với những thai phụ nhẹ cân, có thể tăng từ 12,5 đến 18kg.
Còn những thai phụ thừa cân, có thể tăng 7 đến 11,5kg.
Dinh dưỡng trong ba tháng đầu của thai kỳ
– Thai nhi đang dần hình thành trong ba tháng đầu của thai kỳ và đây là cũng là giai đoạn dễ xảy ra các tai biến nhất.
– Trong giai đoạn này, thai phụ cần ăn nhiều những loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, khoáng chất, vitamin phong phú như: thịt nạc, sữa, trứng gà, cá, tôm, rong biển, những loại rau xanh, hoa quả tươi…
– Trong ba tháng đầu của thai kỳ, mỗi ngày thai nhi tăng khoảng 1g, nên thai phụ cần phải lưu ý bổ sung dinh dưỡng. Có thể ăn 3 bữa mỗi ngày là đủ nếu không có hiện tượng “nghén”.
– Ngoài ra, thai phụ vẫn cần phải bổ sung axit folic, chất sắt theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ… và nên uống nước thường xuyên, khoảng 2,5 – 3 lít/ngày.
– Lưu ý, ốm nghén thường có hai mức khác nhau:
Nghén bình thường: ngoài những lúc có cảm giác buồn nôn và nôn, những lúc khác vẫn ăn được.
Nghén quá mức: Nôn ói liên tục, không ăn, uống được dẫn đến thiếu nước, thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người mẹ và thai nhi.
– Khi thức giấc đừng vội trở dậy ngay mà nên nằm yên trên giường, có thể ăn nhẹ nếu hay bị buồn nôn vào sáng sớm. Thời điểm này, có thể ăn một ít bánh ngọt, đặc biệt là bánh có vị gừng và chỉ rời giường sau khi đã ăn xong khoảng 10 phút.
– Để giảm nôn ói, có thể sử dụng gừng tươi hoặc gừng khô uống chia 2-4 lần trong ngày.
– Trong suốt thai kỳ, nên giữ tâm hồn lạc quan, thoải mái tránh các xung đột hay những tình huống làm căng thẳng khác.
– Mục tiêu tăng cân trong giai đoạn này là từ 1 – 2 kg.
Một số lưu ý:
– Có thể thay đổi cách nấu nướng cho dễ ăn hơn và nên tránh các loại thức ăn có mùi khó chịu.
– Nên ăn vừa đủ no.
– Chia làm nhiều bữa một ngày.
– Khi ăn cơm, hạn chế ăn canh.
– Hạn chế những loại thức ăn quá nhiều mỡ hoặc gia vị.
– Nên chọn các loại thực phẩm không gây kích thích dạ dày và đường ruột.
3Dinh dưỡng trong ba tháng giữa của thai kỳ
– Sau ba tháng đầu, thường thì tình trạng ốm nghén sẽ chấm dứt.
– Trong giai đoạn này, thai phụ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt (thịt gà, các loại đậu, rau xanh đậm) để tránh bị hoa mắt, chóng mặt. Ngoài ra cũng nên bổ sung thêm vitamin C (cam, bông cải xanh, ớt chuông xanh) để tăng khả năng hấp thu sắt. Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối cần bổ sung 30mg sắt hàng ngày, nếu phát hiện thiếu máu thiêu sắt cần bổ sung 60 – 120mg sắt hàng ngày. Khi uống sắt nên uống kèm với nước hoa quả để dễ uống và tăng khả năng hấp thu.
– Thai phụ cũng nên ăn những loại rau, củ quả đa dạng màu sắc và ăn nhiều thức ăn có chứa protein phong phú như: thịt nạc, cá, sữa, trứng gà, các sản phẩm chế biến từ đậu.
– Khi mang thai nên ăn 4 – 5 bữa một ngày, mỗi lần ăn vừa đủ no và khi đói là ăn ngay để dễ hấp thu chất dinh dưỡng và không có cảm giác nặng bụng.
– Tháng thứ 5 của thai kỳ, thai phụ sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng. Vào thời điểm này, thai nhi dài khoảng 14 – 16cm, trọng lượng khoảng 240 – 260g, đầu của bé bằng khoảng 1/3 chiều dài thân, mũi và miệng đã trở nên rõ rệt và bắt đầu mọc tóc, móng tay. Lúc này, không nên ăn quá nhiều thịt vì không tốt cho sự phát triển não của thai nhi do có nhiều axít, làm cho não của thai nhi không linh hoạt và cũng nên hạn chế ăn nhiều đường trắng sẽ không tốt cho việc phát triển tế bào ở đại não.
– Cơ thể thai phụ tích nhiều nước do đó nên hạn chế ăn mặn, tránh thực phầm nhiều muối như khoai tây chiên, đồ ăn chế biến sẵn, dưa chua, ô-liu và các loại thịt xông khói.
– Đến tháng thứ 6, để tránh cho trẻ dễ bị loãng xương, đau răng, viêm lợi hoặc có hiện tượng bị gù lưng, thai phụ cũng cần chú ý bổ sung đủ lượng canxi cần thiết (sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và đậu đỗ),. Lượng canxi cần cho phụ nữ mang thai trong lứa tuổi 19 – 50 là là 1000mg/ ngày, và 1300mg/ ngày cho nhóm dưới 18 tuổi. Nếu bổ sung canxi bằng thuốc nên dùng cách thời điểm dùng viên Sắt khoảng 3h.
– Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
– Trung bình mức tăng cân trong 3 tháng giữa là 5 – 6 kg.
Dinh dưỡng trong ba tháng cuối của thai kỳ
– 3 tháng cuối của thai kỳ là thời điểm thai nhi phát triển nhanh nhất, cần nhiều năng lượng dinh dưỡng nhất. Trong giai đoạn này nên giữ cơ thể tăng cân khoảng 7 – 8 kg là hợp lý nhất. Thai phụ cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người mẹ để đảm bảo sức khoẻ cho thai nhi và mẹ để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ, hậu sản và cho con bú.
– Thai phụ nên ăn nhiều cá (cá hồi, cá ngừ hay cá thu) vì có chứa nhiều axit béo omega 3 giúp thai nhi phát triển não bộ.
– Thai phụ nên dành thời gian 2 tháng cuối thai kỳ để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng.
– Uống nhiều nước sẽ tránh được cạn nước ối gây nguy hiểm cho thai nhi, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, không lo táo bón thai kỳ.
– Hạn chế những đồ ăn vặt ít dinh dưỡng như chocolate, bánh ngọt, bánh quy….
– Ăn ít muối để tránh bị phù nề, cao huyết áp…
(Nguồn Sưu tầm)