Báo động đỏ về bệnh tay – chân – miệng của trẻ

Đã đăng trên Thuốc và Sức khỏe 397 lượt xem
Từ 2 tuần trở lại đây, tại TP.HCM số trường hợp trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng (tcm) đã có sự gia tăng, đặc biệt có những trẻ ở giai đoạn nặng có biến chứng cao huyết áp, thở nhanh.

Những con số báo động

BS.CKII Dư Tuấn Quy, phó trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, hiện nay tại khoa đang điều trị nội trú cho 35 trường hợp trẻ bị TCM, trong đó 2 trường hợp nhập viện ở độ 2B, 1 trường hợp độ 3. Các bệnh nhi này đã có những biến chứng giật mình, cao huyết áp, thở nhanh. Hiện nay các bệnh nhi nặng đều đã có sức khỏe ổn định, tuy nhiên cần được tiếp tục theo dõi thêm.

Tại phòng bệnh, chị L.H.N. (36 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) đang chăm sóc cho con là bé N.T.B.(15 tháng tuổi) bị TCM ở ngày thứ 3, bé bị phát hồng ban nhiều ở 2 cánh tay và chân, thường xuyên quấy khóc vì tình trạng ngứa ngáy khó chịu. Chị N. kể, 3 ngày trước, nhận thấy con bị sốt nhẹ, quấy khóc, ngủ giật mình, khi cho bé ăn chị phát hiện thêm con có nốt lở loét trong miệng. Bé B. là con thứ 3 trong gia đình, trước đó 2 con lớn của chị N. cũng từng bị TCM phải nhập viện điều trị. Nghi ngờ con bị TCM chị liền đưa con đến bệnh viện để khám. Chị kể: “Khi thấy con có những dấu hiệu quấy khóc, sốt, ngủ giật mình, lở miệng tương tự như 2 bé lớn bị TCM nhiều năm trước nên tôi đưa con đến bệnh viện ngay, bác sĩ khám và cho biết may mắn bé được đưa đến bệnh viện sớm khi mới ở giai đoạn 2, bé đang được theo dõi và điều trị”.

Chị Lưu Thị Trâm (ngụ tại Đồng Tháp) đang chăm con gái 5 tuổi,  bé bị nổi mụn nước dày đặc ở khắp cơ thể gây ngứa khó chịu nên thường xuyên quấy khóc. Chị Trâm cho hay, bé bị TCM ở ngày thứ 6. Ngày đầu tiên phát hiện bệnh, bé bị nổi bọng nước ở lòng bàn tay, sốt nhẹ, dần dần các bọng nước xuất hiện ở toàn thân. Theo bác sỹ Dư Tuấn Quy, đối với bệnh nhi này dù tình trạng nổi mụn nước toàn thân so với các bệnh nhi khác tuy nhiên đây là biểu hiện giúp các bác sĩ dễ dàng nhận biết bệnh và có hướng điều trị kịp thời. Dự kiến bé sẽ được theo dõi điều trị từ 7-10 ngày, dần dần các hồng ban sẽ lành trở lại và không để lại sẹo.

TCM là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh. Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên vi rút có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó. Bệnh dễ lây lan nhất là trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ.

Không chỉ tại BV Nhi đồng 1, tại các bệnh viện nhi đồng trên toàn thành phố cũng ghi nhận sự gia tăng các trường hợp trẻ bị TCM. Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP.HCM, cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, trên toàn thành phố đã ghi nhận 6.358 ca TCM. Tính riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh, là số ca bệnh cao nhất trong tất các tuần tính từ đầu năm đến nay. Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận huyện trong đó có 4 quận huyện ở mức độ cảnh báo (quận 2, quận 7, quận 8 và huyện Bình Chánh). Đây là số liệu đáng báo động, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.

Chủ động phòng bệnh không để lây lan trên diện rộng

Theo HCDC TP.HCM, TCM là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh. Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên vi rút có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó. Bệnh dễ lây lan nhất là trong những nơi có nhiều trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ.Hiện nay do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, là thời điểm TCM có thể bùng phát. Đây là bệnh chưa có vắc xin, do đó người dân, đặc biệt là tại các cơ sở nhà trẻ, trường học cần chú trọng phòng bệnh bằng 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.


Bệnh nhi TCM đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM

Cụ thể, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trong quá trình cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Làm sạch và khử trùng các bề mặt bẩn, các bề mặt thường xuyên chạm vào; các đồ dùng chung, bao gồm cả đồ chơi, tay nắm cửa; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.

Bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà như: giữ sạch các vết phồng rộp hoặc vảy và tránh chạm vào chúng; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt; sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục khó hạ (không giảm khi uống thuốc hạ sốt), giật mình chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng, nôn ói liên tục, co giật, da xanh tái… thì cần phải đưa trẻ nhập viện ngay.

KHÔNG CHỦ QUAN VỚI NHỮNG DẤU HIỆU NHẸ
BS.CKII Dư Tuấn Quy khuyến cáo, một số trường hợp trẻ bị TCM mà biểu hiện dễ nhầm lẫn khiến phụ huynh nhận biết trễ. Theo đó, các trường hợp sau cần lưu ý: Trẻ có biểu hiện sốt, chảy nước bọt, nguyên nhân là trẻ bị loét miệng không nuốt được nước bọt trong khi đó phụ huynh nhầm lẫn với biểu hiện của việc mọc răng. Trẻ bị nổi ban ở vùng kín, vùng mông, phụ huynh thường hiểu lầm con bị hăm tả (trẻ mặc tả thường xuyên, bị tái đi tái lại nhiều lần). Trẻ có những vết nổi ở những vị trí kín đáo như rìa ngón tay, rìa ngón chân, khuỷu tay, phụ huynh lầm tưởng bị muỗi cắn…
Đối với những biểu hiện trên, phụ huynh không được chủ quan. Trường hợp trẻ có kèm theo sốt, các biểu hiện giật mình cần đưa đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Nếu không phát hiện sớm tình trạng bệnh sẽ trở nặng, có thể chuyển độ nhanh từ độ 2 sang độ 3, độ 4; dẫn đến các nguy cơ suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim, tử vong.
(Nguồn Suckhoedoisong.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *