Tại sao trầm cảm thường gặp ở nữ giới hơn nam giới?

Phụ nữ bị trầm cảm cao hơn nam giới 1,5-1,7 lần. Tỷ lệ này luôn cao hơn ở nữ giới mà không phụ thuộc vào quốc gia, chủng tộc, văn hóa, thói quen ăn uống, giáo dục hay các yếu tố kinh tế, xã hội khác. Chính vì vậy, sự khác biệt về giới tính sinh học chính là yếu tố chủ yếu dẫn đến việc nữ giới dễ bị trầm cảm hơn nam giới. 


Tỷ lệ phụ nữ trầm cảm cao hơn nam giới

1. Giai đoạn tuổi dậy thì

Nội dung chính

Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm của bé trai và bé gái là như nhau. Nhưng bắt đầu từ tuổi dậy thì, bé gái sẽ có nguy cơ trầm cảm và rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn. Thậm chí, tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 14-25 tuổi bị trầm cảm còn cao gấp 2 lần so với nam giới trong cùng độ tuổi. Sự chênh lệch này sẽ giảm dần theo độ tuổi.

Trong giai đoạn dậy thì, các bé gái sẽ có sự thay đổi hormone trong cơ thể. Sự thay đổi tâm trạng liên quan đến quá trình dậy thì là điều bình thường, sẽ không gây ra trầm cảm. Tuy nhiên, tuổi dậy thì nếu gắn với một số vấn đề, ví dụ như mâu thuẫn với cha mẹ, cãi nhau với bạn bè, bị cô lập, bắt nạt trong nhà trường, áp lực học tập hoặc những vấn đề khác, thì có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Trầm cảm trong giai đoạn này có biểu hiện khá giống với những thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì, nên đôi khi cha mẹ sẽ không chú ý và xem nhẹ các biểu hiện trầm cảm ở bé gái.

2. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hầu hết phụ nữ đều gặp phải các triệu chứng trước mỗi kỳ kinh nguyệt như đau bụng, đau ngực, vú trướng, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, cảm xúc dễ dao động… Được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Ở một số người, các triệu chứng vượt qua hội chứng tiền kinh nguyệt đơn thuần, trở thành rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, hay còn gọi là PMDD.

Mặc dù cả PMS và PMDD đều có các triệu chứng thể chất và cảm xúc khá giống nhau. Nhưng về mức độ, PMDD gây ra những thay đổi tâm trạng nghiêm trọng có thể làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và gây rạn nứt các mối quan hệ. Đây là tình trạng cần được điều trị.


Phụ nữ có thể bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

3. Khi mang thai

Khi mang thai, phụ nữ trải qua những thay đổi lớn về hormone, vẻ ngoài, áp lực về tài chính và cả những lo lắng trong vai trò mới. Chúng ta biết rằng phụ nữ trong giai đoạn mang thai rất nhạy cảm, dễ khóc hoặc dễ cáu giận. Nhưng mang thai cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm cho phụ nữ. 

Nhất là khi mang thai, phụ nữ gặp phải các vấn đề bất lợi càng làm tăng nguy cơ trầm cảm. Ví dụ: sức khỏe thai nhi không tốt, dọa sảy thai, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, xảy ra mâu thuẫn với chồng, kinh tế khó khăn, mang thai ngoài ý muốn, thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc, các căng thẳng khác từ cuộc sống…

4. Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm có thể xảy ra sau khi sinh con. Một số phụ nữ có thể bị trầm cảm sau sinh mà không liên quan đến các rắc rối, áp lực trong cuộc sống. 

Trầm cảm sau sinh luôn là một vấn đề rất phổ biến và cần được quan tâm. Người mẹ bị trầm cảm sau sinh sẽ bị suy giảm sức khỏe tinh thần nghiêm trọng, có suy nghĩ thất vọng về bản thân và em bé, từ đó rất dễ dẫn đến tự tử và gây hại cho em bé. Bên cạnh đó, người mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng sẽ gây bất lợi cho sự phát triển toàn vẹn của trẻ.

Đáng tiếc là nhiều người vẫn xem nhẹ tình trạng này, thậm chí còn chỉ trích người phụ nữ “làm quá vấn đề”. Quan trọng nhất là người mẹ cần nhận được sự hỗ trợ của gia đình, đặc biệt là người chồng trong suốt quá trình mang thai và sinh con sau đó, để làm giảm nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.


Mẫu thuẫn với chồng làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh

5. Giai đoạn mãn kinh 

Giai đoạn mãn kinh, nồng độ hormone estrogen của nữ giới suy giảm nhanh chóng, gây ra các vấn đề tiền mãn kinh như nóng bức, khó ngủ, rối loạn tâm trạng… Hầu hết phụ nữ sẽ không bị trầm cảm trong giai đoạn này. Nhưng phụ nữ bị mãn kinh sớm sẽ có nhiều nguy cơ hơn.

6. Hoàn cảnh sống 

Ngoài các yếu tố sinh học là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm cao hơn. Thì các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng, công việc quá tải và lạm dụng tình dục ở phụ nữ nhìn chung cũng cao hơn nam giới. Tất nhiên những điều này cũng có thể xảy ra ở nam giới.

Phụ nữ có thể bị phân biệt đối xử trong môi trường làm việc, bị giảm cơ hội thăng tiến, dễ bị chèn ép và lạm dụng hơn. 

Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn theo quan điểm truyền thống khiến người phụ nữ vừa phải đi làm vừa phải lo công việc nội trợ và chăm sóc con cái mà không có sự giúp đỡ từ người chồng, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi quá mức. 

Ngoài ra, phụ nữ là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn nhiều so với nam giới. 
Tất cả những điều này góp một phần nào đó làm tăng tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm.

(Nguồn www.umcclinic.com.vn)