Những điều bạn cần biết về viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích ứng và viêm không do nhiễm khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng.


Viêm mũi dị ứng là tình trạng khá phổ biến

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Nội dung chính

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích ứng và viêm do dị ứng.

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng không phải do nhiễm virus hay vi khuẩn, mà do các dị nguyên (chất gây dị ứng) từ môi trường như:

– Thời tiết

– Phấn hoa từ cây, cỏ

– Lông động vật như chó, mèo

– Khói bụi

– Bụi gỗ, bụi bột

– Mạt nhà

– Nấm mốc

– Vảy da động vật

– …

Khi người bị viêm mũi dị ứng hít phải các tác nhân từ môi trường này, cơ thể sẽ giải phóng các hợp chất gây ra các triệu chứng dị ứng.

3. Ai có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng tiền sử gia đình có người bị dị ứng là một yếu tố nguy cơ.  
Nếu cả cha và mẹ đều bị viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh dị ứng khác thì bạn sẽ có nguy cơ cao cũng bị viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh dị ứng khác.


Viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi

4. Triệu chứng viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành 2 nhóm là triệu chứng có tính chu kỳ và triệu chứng không có tính chu kỳ.

a. Triệu chứng có tính chu kỳ

Triệu chứng viêm mũi dị ứng có tính chu kỳ thường xuất hiện theo mùa, khi thời tiết thay đổi, bao gồm:

– Cảm thấy ngứa mũi, miệng, mắt, họng, da

– Hắt hơi

– Chảy nước mắt

– Chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong

– Uể oải, mệt mỏi

– Nặng đầu

Các triệu chứng trên có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi khỏi. Mỗi năm thường sẽ tái phát bệnh vào đúng giai đoạn đó. Giai đoạn phát bệnh tùy theo từng người và từng vùng. 

Nếu bị dị ứng phấn hoa, các triệu chứng có phát triển hay không còn phụ thuộc vào lượng phấn hoa trong không khí. Ví dụ: phấn hoa trong không khí nhiều hơn vào những ngày nóng, khô, nhiều gió; ít hơn vào những ngày mưa, ẩm ướt, mát mẻ.

Ở một số người, các triệu chứng viêm mũi dị ứng kéo dài trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi.


Viêm mũi dị ứng gây ngứa mũi mắt

b. Triệu chứng không có tính chu kỳ

Triệu chứng viêm mũi dị ứng không có tính chu kỳ thường xảy ra vào buổi sáng, giảm dần trong ngày, nhưng lại tái phát khi tiếp xúc với bụi hay không khí lạnh, với biểu hiện:

– Sổ mũi

– Hắt hơi

– Chảy nước mũi

– Nước mũi từ trong suốt chuyển sang đặc quánh, chảy thành từng đợt

Triệu chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị hắt hơi liên tục trong nhiều giờ, gây ra tình trạng tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên người bệnh thường phải khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc mũi họng.

5. Các dạng viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được phân thành các dạng như sau:

a. Viêm mũi dị ứng theo mùa

Các loại nấm mốc, phấn hoa đặc biệt phát triển khi giao mùa, là yếu tố gây bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa thường gặp nhất. Một người có thể dị ứng với một hoặc nhiều loại.

b. Viêm mũi dị ứng lâu năm

Người bị viêm mũi dị ứng lâu năm chủ yếu do tiếp xúc bụi bẩn trong nhà hay ngoài trời, lông chó mèo, gián, mọt và các loài gặm nhấm trong nhà…

c. Viêm mũi dị ứng không thường xuyên

Bệnh lý này chỉ xuất hiện khi người bệnh có tiếp xúc với dị nguyên như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc. Khi hết tiếp xúc thì triệu chứng bệnh cũng biến mất.

d. Viêm mũi dị ứng do môi trường làm việc

Một số người phải làm việc ở những nơi có chứa các tác nhân gây dị ứng như hóa chất, bụi gỗ, bụi phấn, lông thú, kim loại, lông thú… cũng có thể mắc bệnh viêm mũi dị ứng.


Phấn hoa là tác nhân thường gặp gây viêm mũi dị ứng

6. Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng

a. Chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Bác sĩ thăm khám viêm mũi dị ứng dựa trên các triệu chứng lâm sàng người bệnh thường gặp phải, xem xét trong các yếu tố nghề nghiệp, thời tiết, tiền sử bệnh của gia đình để chẩn đoán. Một số bệnh nhân cần làm thêm các xét nghiệm như: xét nghiệm dị ứng test trên da hoặc xét nghiệm IgE…

b. Điều trị

Viêm mũi dị ứng thường dùng thuốc chống dị ứng kháng histamin hoặc kết hợp thuốc kháng histamin dạng uống và xịt mũi, đồng thời áp dụng các biện pháp không tiếp xúc chất gây kích ứng.

7. Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng, bệnh nhân cần:

– Tăng cường hệ miễn dịch: Đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi viêm mũi dị ứng, vì khi cơ thể yếu sẽ rất dễ bị dị ứng. 

– Tránh xa các tác nhân gây dị ứng: Khi biết bản thân bị dị ứng với chất gì, cần cố gắng tránh xa các tác nhân đó. Đeo khẩu trang trong vùng có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng là biện pháp phòng vệ tốt cho người bị viêm mũi dị ứng.


Đeo khẩu trang để phòng ngừa viêm mũi dị ứng

8. Câu hỏi thường gặp về bệnh viêm mũi dị ứng

a. Bệnh viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm nhưng thường gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp – mạn tính, polyp mũi xoang…

b. Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường

Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện nhanh và đột ngột với các triệu chứng như: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, ngứa mũi, ngứa mắt..

Ngược lại, người bị viêm mũi bình thường sẽ không xuất hiện các triệu chứng đột ngột nhưng lại nghẹt mũi nhiều, mệt mỏi và sốt.

c. Viêm mũi dị ứng có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý lành tính do các tác nhân gây dị ứng ngoài môi trường gây ra. Bệnh này không thể chữa khỏi mà chỉ có thể điều trị nhằm giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Do đó, mỗi người nên chủ động tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây dị ứng, đặc biệt là người có cơ địa dễ bị kích ứng.

d. Viêm mũi dị ứng có di truyền không?

Viêm mũi dị ứng có khả năng di truyền, nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý này thì tỷ lệ di truyền là 60-70%. 
Ngoài ra, bệnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, môi trường làm việc..

e. Viêm mũi dị ứng có tiêm vaccine được không?

Người bị viêm mũi dị ứng nhẹ có thể tiêm vaccine như người không có tiền sử dị ứng. 
Một số trường hợp cần theo dõi kỹ sau khi tiêm vaccine là: người có tiền căn dị ứng nặng hoặc sốc phản vệ với các loại thức ăn, một số loại thuốc.

(Nguồn www.umcclinic.com.vn)