Đông Y/Y học cổ truyền có chữa được ung thư vú không?

1. Giới thiệu

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Hầu hết phụ nữ khi nhận được chẩn đoán ung thư vú, họ có thể đang cố gắng tìm hiểu mọi thứ có thể về các lựa chọn điều trị và các tác dụng phụ tiềm ẩn. Họ có thể nhớ lại bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình đã từng gặp khó khăn với hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật ung thư vú. Những gì họ đã đọc về tác dụng phụ nghe có vẻ khó chịu và đáng sợ. Nhiều phụ nữ tự hỏi liệu phương pháp điều trị “tự nhiên” cho bệnh ung thư vú có thể phù hợp với họ hay không.

Hiện tại chưa có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào nói rằng Đông y có thể chữa khỏi ung thư vú. Trong Đông y, ung thư vú còn được gọi là nhũ nham. Các phương pháp chữa trị của Đông y hiện nay chỉ dừng lại ở kinh nghiệm.

Hiện nay, phương pháp chữa ung thư vú của y học hiện đại là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Bởi vì các phương pháp này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đã công nhận có tác dụng trong việc điều trị ung thư.

Tuy nhiên, sau hóa trị và xạ trị, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn gây ảnh hưởng đến người bệnh. Khi đó, các phương pháp của Đông y sẽ hỗ trợ giải quyết các tác dụng phụ này.

Sự hỗ trợ của các phương pháp Đông y sẽ góp phần giúp bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư vú một cách nhẹ nhàng hơn.

2. Các thuốc thường được sử dụng

2.1. Cây thiên ma

Có tác dụng giảm bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh và có độc tính thấp.  Các thuốc điều trị ung thư vú như thuốc hóa chất, hoặc thuốc đối kháng estrogen có thể ảnh hưởng đến buồng trứng hay thuốc ức chế men aromatase làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh hiện có. Do vậy, các chất chiết xuất C. racemosa từ cây này có tính hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng vận mạch và bốc hỏa và ngăn ngừa sự giảm mật độ xương liên quan đến mãn kinh. Hơn nữa, các chất chiết xuất từ C. racemose có hoạt tính kháng u cao và sự tham gia của chúng trong việc khởi phát quá trình chết theo chu trình tế bào.

2.2. Nấm vân chi                                                            

Một số thử nghiệm lâm sàng với phụ nữ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh đã phát hiện ra rằng các chế phẩm nấm Vân Chi đóng gói giúp cải thiện đáng kể cảm giác thèm ăn, giảm suy nhược, chán ăn, nôn mửa, khô cổ họng, đổ mồ hôi và đau tự phát hoặc ban đêm, tăng cân; ổn định số lượng bạch cầu, nồng độ tế bào NK, mức IL-2, và tỷ lệ CD4 / CD8. Polysaccharide-K (PSK) trong nấm Vân chi được sử dụng như một chất bổ trợ trong điều trị ung thư, với kết quả tích cực trong điều trị bổ trợ cho các bệnh ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng, vú và phổi. PSK là một chất điều chỉnh phản ứng sinh học giúp cải thiện khả năng của bệnh nhân ung thư để chống lại sự tiến triển của khối u. PSK có hoạt tính chống oxy hóa, có thể cho phép nó đóng vai trò như một chất bảo vệ mô bình thường khi được sử dụng kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị bổ trợ.

2.3. Nấm linh chi

Linh chi, được sử dụng để bồi bổ sức khỏe và tăng tuổi thọ. Về mặt lâm sàng, bột bào tử được dùng để điều trị chứng mệt mỏi do ung thư ở bệnh nhân ung thư vú đang điều trị nội tiết. Các bệnh nhân được điều trị cho biết sức khỏe thể chất được cải thiện, ít mệt mỏi hơn, ít lo lắng và trầm cảm hơn, và chất lượng cuộc sống nói chung tốt hơn. G. lucidum trong linh chi đã được báo cáo trong việc phòng chống các bệnh mãn tính, chẳng hạn như viêm gan, bệnh gan và tăng huyết áp, làm cho nó trở thành một chất bổ trợ hữu hiệu cho việc bảo vệ gan trong điều trị ung thư. Trong số các hợp chất hoạt tính có trong chiết xuất G. lucidum, triterpenoids là một trong những thành phần chính chịu trách nhiệm cho các hoạt động dược lý bao gồm tác dụng điều hòa miễn dịch, chống oxy hóa, chống ung thư. Triterpenoids trong G. lucidum có tác dụng chống tăng sinh bằng cách gây ra quá trình chết tế bào và bắt giữ chu kỳ tế bào.

2.4. Nhân sâm

Trong sau khi bệnh nhân hoàn thành phác đồ điều trị ung thư vú, nhân sâm đã được sử dụng để duy trì năng lượng tự nhiên, tăng hiệu suất thể chất và tâm lý, cải thiện tâm trạng và sức khỏe nói chung. Các nghiên cứu trên động vật đã báo cáo rằng ginsenosides trong nhân sâm, có nhiều tác dụng có lợi, bao gồm tác dụng điều hòa miễn dịch, chống trầm cảm, chống mệt mỏi và chống ung thư.

2.5. Trà xanh

Béo phì đã được chứng minh ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, một số thuốc điều trị ung thư vú hoặc xạ trị ung thư vú trái có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Do vậy trà xanh có liên quan đến việc kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa bệnh tim mạch cũng có thể giúp ích được cho bệnh nhân. Hiệu quả giảm nhẹ trọng lượng cơ thể và cải thiện cân bằng nội môi LDL và glucose của trà xanh đã được thấy ở bệnh nhân thừa cân.

2.6. Curcumin

Curcumin, thành phần hoạt động chính của nghệ được cho là đảo ngược tính kháng hóa học và tăng nhạy cảm các tế bào ung thư với hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư vú.

2.7. Châm cứu

Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể mang lại một số lợi ích cho bệnh nhân ung thư vú như giảm đau, cơn bốc hỏa, nôn, buồn nôn, đau, suy kiệt, trầm cảm, lo âu, mất ngủ.

3. Nguy cơ khi sử dụng phương pháp đông y/y học cổ truyền

Các bằng chứng hiện tại từ khoa học cơ bản và nghiên cứu lâm sàng về thuốc thảo dược hoặc châm cứu vẫn chưa đủ để thay đổi thực hành ung thư nói chung.

Kiểm soát chất lượng dược liệu thảo mộc, tiêu chuẩn hóa thực hành và phương pháp hiện tại trong châm cứu, và tương tác dược động học giữa các thành phần trong thảo dược hoặc giữa hóa trị và thuốc thảo dược vẫn là một thách thức.

Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các chất chống oxy hóa như vitamins A, C, E, carotenoids, and Coenzyme Q10 trong cả trước và cả trong khi điều trị hóa chất có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.

Các nghiên cứu chưa phải là lớn và chất lượng thiết kế nghiên cứu chưa cao.

4. Kết luận

Đông y/y học cổ truyền không chữa được ung thư vú nhưng có thể sử dụng như biện pháp hỗ trợ cho điều trị.

Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sỹ y học cổ truyền và bác sỹ chuyên khoa ung thư khi có nhu cầu sử dụng các sản phẩm đông y kết hợp các phương pháp điều trị ung thư vú.

Cần thêm những nghiên cứu sâu hơn để cải thiện cơ sở bằng chứng cũng như chẩn hóa thực hành về đông y/y học cổ truyền.

Ths.BS Trần Đức Sơn – Khoa Xạ 2, Bệnh viện K

ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo – Phó trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM