Túi phình động mạch não một bệnh lý không mấy quen thuộc nhưng ẩn chứa rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe, ước tính khoảng 2-3% trong dân số và có thể cao hơn ở dân số lớn tuổi. Như vậy, tại Việt Nam ước tính có khoảng 2 đến 3 triệu quả “quả bom hẹn giờ” sẵn sàng nổ mà không hề báo trước. Khi chưa bị vỡ, túi phình có thể tồn tại một cách thầm lặng, không triệu chứng rõ ràng, nhưng một khi vỡ ra, nó trở thành mối đe dọa cấp tính đối với tính mạng, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc xuất huyết não, một trong những tình huống khẩn cấp y tế nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, việc hiểu rõ về biểu hiện, nguyên nhân và phát hiện sớm bệnh lý sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và biến chứng. Hãy cùng khám phá những thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây!
Thông tin hiểu biết về túi phình động mạch não
Nội dung chính
Túi phình động mạch não là gì?
Túi phình động mạch não, thường được biết đến dưới cái tên aneurysm não, chính là kết quả của sự giãn nở bất thường của một phần động mạch trong não do điểm yếu trên thành mạch. Hình ảnh này giống như một bong bóng nước nhỏ và sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ gây áp lực lên mô xung qoanh mà còn tiềm ẩn nguy cơ chảy máu nếu bị vỡ, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng.
Về bản chất, túi phình mạch máu não phát triển tại những nơi thành mạch yếu, nơi mà dòng máu liên tục gây áp lực, qua thời gian làm giãn và phình ra tạo thành túi. Vị trí phổ biến nhất của túi phình thường nằm ở những động mạch lớn ở đáy hộp sọ, nơi máu được cung cấp dồi dào.
Mặc dù nhiều túi phình mạch máu não khi còn nhỏ không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, chúng bắt đầu biểu hiện khi kích thước tăng lên, đè nén các dây thần kinh và mô não xung quanh, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng để ngăn chặn các hậu quả tiềm ẩn.
Trong trường hợp xấu nhất, túi phình bị vỡ gây ra xuất huyết não, đặc biệt là xuất huyết dưới nhện – một tình trạng y tế cấp cứu đòi hỏi sự chăm sóc ngay lập tức. Điều này đặc biệt hay xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Hiểu rõ về túi phình động mạch não, nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý kịp thời có thể là chìa khóa giữa sự sống và cái chết.
Hình ảnh túi phình mạch máu não
Nguyên nhân gây ra túi phình mạch máu não và yếu tố nguy cơ
Các nguyên nhân gây ra túi phình động mạch não có thể bao gồm áp lực cao trong các mạch máu, tổn thương động mạch, hoặc đặc điểm di truyền. Yếu tố nguy cơ phát triển túi phình có thể bao gồm:
- Hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích
- Tăng huyết áp
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
- Tuổi tác cao
- Sử dụng bia rượu quá mức
Triệu chứng của túi phình mạch máu não
Trong nhiều trường hợp, túi phình động mạch não không gây ra triệu chứng nào cho đến khi chúng lớn đến mức áp lực lên các cấu trúc xung quanh hoặc bị vỡ. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau đầu dữ dội và đột ngột
- Mất thị lực hoặc thay đổi thị lực
- Tê liệt mặt
- Buồn nôn và nôn
- Cứng cổ
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Rối loạn nhận thức.
- Yếu hoặc tê liệt toàn thân.
Phình động mạch não nếu không can thiệp thì sẽ thế nào?
Theo tài liệu về ngoại thần kinh Youmans, các túi phình động mạch não có nguy cơ vỡ mỗi năm là 10% và nguy cơ nhồi máu não là 10%. Nghĩa là mỗi năm sẽ có khoảng 20% người bệnh bị tai biến mạch máu não. Bên cạnh đó thì khoảng 60-70% người bệnh có túi phình não sẽ trở nặng sau 5 năm và nguy cơ tử vong cao đến 70-90%.
Vì vậy, túi phình động mạch não nếu không can thiệp điều trị có thể tiếp tục phát triển và cuối cùng vỡ, gây chảy máu trong não (xuất huyết não). Khi điều này xảy ra, nó có thể gây ra đột quỵ, tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí là cái chết.
Rủi ro của việc vỡ túi phình khổng lồ động mạch não sẽ tăng lên với kích thước của nó và các yếu tố nguy cơ khác. Do đó, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe não bộ.
Túi phình nếu không can thiệp sẽ tiếp tục phát triển và vỡ
Các phương pháp điều trị túi phình mạch máu não
Mục tiêu của điều trị là ngừng hoặc giảm lưu lượng máu vào túi phình, hoặc can thiệp loại bỏ. Có nhiều phương pháp điều trị túi phình nhưng tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, kích thước, vị trí cùng với một số yếu tố như sức khỏe, tiền sử bệnh lý của người bệnh bác sĩ sẽ đề xuất những lựa chọn phù hợp.
Phẫu thuật cắt vi mạch tại túi phình động mạch
Đây là một phương pháp phẫu thuật truyền thống, trong đó một phần nhỏ của hộp sọ được mở ra để tiếp cận và cắt bỏ túi phình động mạch.
Lợi ích: Loại bỏ hoàn toàn túi phình, giảm nguy cơ vỡ túi phình trong tương lai.
Tỷ lệ thành công: Tỷ lệ thành công cao trong việc loại bỏ túi phình, nhưng phụ thuộc vào kỹ thuật phẫu thuật và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.
Can thiệp nội mạch nút phình mạch não
Một phương pháp can thiệp nội mạch, trong đó các cuộn dây nhỏ được đưa vào túi phình thông qua một catheter để làm đông máu và ngăn chặn dòng máu vào túi phình.
Lợi ích: Ít xâm lấn hơn so với phương pháp phẫu thuật cắt vi mạch.
Phương pháp can thiệp nội mạch
Phương pháp đặt stent chuyển dòng
Đặt stent chuyển dòng là một phương pháp can thiệp nội mạch, trong đó một stent được đưa vào động mạch để chuyển dòng máu qua túi phình, giảm áp lực và ngăn chặn nguy cơ vỡ túi phình.
Được ra đời trên thế giới vào năm 2005 và từ năm 2007 phương pháp này bắt đầu được áp dụng điều trị trên người (nghiên cứu thực hiện trên 53 bệnh nhân ở Buenos Aires, Argentina). Đến năm 2009, kết quả được công bố >90% các túi phình được chữa khỏi hoàn toàn sau 1 năm, tỷ lệ tàn tận-tử vong sau điều trị <5%. Vào năm 2011, phương pháp này được công nhận chính thức tại Hoa Kỳ bởi FDA. Có thể nói, đặt stent chuyển dòng là một cách mạng lớn trong việc điều trị túi phình động mạch não, giúp tăng cao khả năng hồi phục và giảm nguy cơ vỡ.
Lợi ích: Giảm áp lực trên túi phình, giảm nguy cơ vỡ và ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật mở.
Tỷ lệ thành công: Tỷ lệ thành công cao trong việc ngăn chặn vỡ túi phình, với tỷ lệ thành công và an toàn được báo cáo là khá cao, tùy thuộc vào vị trí và kích thước của túi phình.
Phương pháp đặt stent chuyển dòng
Khi nào nên gặp bác sĩ và chăm sóc y tế
Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào liên quan đến đau đầu bất thường, đặc biệt nếu chúng đột ngột và nghiêm trọng, hoặc có các biểu hiện khác như mất thị lực, khó nói, yếu hoặc tê ở một bên cơ thể, bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng, bao gồm túi phình động mạch não hoặc vỡ túi phình, đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp.
Hướng dẫn về cách chọn cơ sở y tế uy tín cho việc chẩn đoán và điều trị.
- Bác sĩ chuyên môn: Hãy tìm cơ sở có bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị túi phình. Các bác sĩ này thường là bác sĩ thần kinh học, phẫu thuật thần kinh hoặc chuyên gia can thiệp nội mạch.
- Độ uy tín của cơ sở: Lựa chọn cơ sở y tế có danh tiếng tốt trong việc chăm sóc và điều trị các bệnh lý về não, đặc biệt là túi phình động mạch não. Các bệnh viện học thuật hoặc trung tâm chuyên khoa thường có đội ngũ chuyên gia và trang thiết bị tiên tiến.
Cách phòng ngừa túi phình mạch máu não
Biện pháp phòng ngừa
- Kiểm soát huyết áp qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao,…
- Bỏ hút thuốc lá hoặc hạn chế sẽ giảm nguy cơ phát triển túi phình.
- Hạn chế sử dụng rượu và chất kích thích vì có thể tăng huyết áp và nguy cơ phát triển túi.
- Duy trì cân nặng ở mức cho phép và kiểm soát mức cholesterol
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
- Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ thực vật hoặc cá, trong khi hạn chế thức ăn chứa cholesterol cao và chất béo bão hòa.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần, có thể giúp kiểm soát huyết áp, cân nặng và mức cholesterol.
- Giảm stress: Áp dụng các biện pháp giảm stress như thiền, yoga, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và thay đổi lối sống này có thể không chỉ giúp giảm nguy cơ phát triển túi phình động mạch não mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.
Nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ thực vật hoặc cá
Trên đây đây là toàn bộ thông tin về túi phình động mạch não, bao gồm triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm nguy cơ vỡ túi và biến chứng nghiêm trọng.
Nguồn tham khảo:
1. Clinic, C. (2023). Brain Aneurysm: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16800-brain-aneurysm
2. Brain aneurysm – Symptoms and causes. (2023). Mayo Clinic; https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/brain-aneurysm/symptoms-causes/syc-20361483
(Nguồn Medpro)