Nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên khi thời tiết lạnh hoặc khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Điều này có thể là do nhiệt độ giảm làm thay đổi huyết áp và tình trạng đông máu trong cơ thể. Vì vậy, bạn cần cẩn thận hơn khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là nếu bạn đã từng bị đột quỵ hoặc có yếu tố nguy cơ đột quỵ.
Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ
1. Nguy cơ đột quỵ tăng lên khi nhiệt độ giảm
Nội dung chính
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, ngăn cản mô não nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não ) và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ thường xảy ra ở một số đối tượng có nguy cơ cao sau:
– Người có các bệnh lý về tim mạch;
– Người bị cao huyết áp;
– Người bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường);
– Người có cholesterol cao;
– Người hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu bia;
Bên cạnh các yếu tố về sức khỏe, nhiều nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau như Hoa Kỳ, Phần Lan, Úc, Đức, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng lạnh so với những tháng ấm. Những bệnh nhân bị đột quỵ vào mùa đông cũng có tiên lượng xấu hơn.
Theo một nghiên cứu trên 545 bệnh nhân tại Hàn Quốc, cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng lên khi nhiệt độ giảm. Và ngay cả khi nhiệt độ giảm vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Thời gian rủi ro là 24 – 48 giờ sau khi tiếp xúc với lạnh. Phụ nữ, người trên 65 tuổi, người bị tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol máu dễ bị đột quỵ do lạnh.
Một cuộc điều tra đã được tiến hành ở Đài Loan từ năm 2000 đến năm 2011 trên 290.000 bệnh nhân. Tiến sĩ Tze-Fan Chao (Đài Loan) – một trong số các tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa nhiệt độ và nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân AF (rung nhĩ)”. Cụ thể, thời tiết lạnh có thể thúc đẩy sự hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ trái của tim, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân này.
Một nghiên cứu khác cho thấy sự chênh lệch nhiệt độ 5°C trong ngày làm tỷ lệ đột quỵ cao hơn 1,8%. Tuy nhiên, nó liên quan nhiều hơn đến trường hợp đột quỵ do xuất huyết.
Điều này xảy ra tương tự khi bạn tắm nước lạnh vào ban đêm, hoặc đơn giản là tiếp xúc môi trường lạnh đột ngột, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài đột quỵ, nó cũng có thể gây ra cơn nhồi máu cơ tim.
2. Nguyên nhân đột quỵ trong thời tiết lạnh
Môi trường lạnh khiến cho các mạch máu co lại, có thể làm tăng huyết áp – một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ xuất huyết não. Máu cũng có xu hướng đặc và dính hơn khi thời tiết lạnh, điều này làm cho cục máu đông dễ xuất hiện hơn, gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ. Bên cạnh đó, phản ứng của cơ thể khi nhiệt độ giảm có xu hướng gây áp lực cho tim khi cố kìm hãm để bảo toàn nhiệt và năng lượng.
Độ ẩm có vẻ cũng đóng một vai trò nào đó trong nguy cơ đột quỵ. Độ ẩm cao trong không khí có thể khiến một số người bị mất nước, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh như:
– Các bệnh nhiễm trùng có xu hướng gia tăng trong những tháng lạnh;
– Thời tiết lạnh, thiếu ánh sáng mặt trời có thể làm tăng tình trạng trầm cảm và lo âu, gây nguy cơ đột quỵ;
– Vào mùa lạnh, người ta thường ở trong nhà nhiều hơn và lười vận động. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
3. Cách phòng tránh đột quỵ trong thời tiết lạnh
Không nên tắm quá khuya để phòng tránh đột quỵ
Mặc dù những nước có nhiệt độ ấm hơn như nước ta có ít nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh hơn, nhưng cũng không nên chủ quan. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đột quỵ cao nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm thiểu hậu quả của thời tiết lạnh, đặc biệt là người cao tuổi hoặc đã từng bị đột quỵ. Một số phương pháp phòng tránh nên thực hiện là:
– Giữ ấm cơ thể cả ở trong nhà và ngoài trời, nhiệt độ trong phòng chỉ nên để thấp nhất là 18oC.
– Những người có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ nên sử dụng nước ấm để tắm, để tránh bị lạnh trong và sau khi tắm.
– Không nên tắm lâu và quá muộn sau 11 giờ đêm, đặc biệt là không tắm nước lạnh. Nên lau khô cơ thể và sấy khô tóc sau khi tắm xong.
– Duy trì tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, đặc biệt là trong suốt những tháng lạnh.
– Cố gắng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
– Chú ý uống đủ nước.
– Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
– Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng khẩu phần trái cây và rau củ, hạn chế chất béo không lành mạnh, thịt đỏ, đường và muối.
– Những người bị cao huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra và kiểm soát các chỉ số này.
Chú ý các triệu chứng của đột quỵ theo phương pháp B.E.F.A.S.T để có thể nhận được sự trợ giúp và cấp cứu kịp thời. B.E.F.A.S.T là viết tắt của:
– Balance – Cân bằng: Bị chóng mặt, loạng choạng, té không giải thích được lý do.
– Eye – Mắt: Đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị lực.
– Face – Khuôn mặt: Đột ngột méo miệng hoặc tê mặt một bên.
– Arm – Cánh tay: Đột ngột yếu, không thể nhấc tay hoặc chân lên được.
– Speech – Ngôn ngữ: Đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói.
– Time – Thời gian: Gọi cấp cứu ngay khi có một trong các triệu chứng trên.
Nhìn chung, thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, người có yếu tố nguy cơ cần giữ ấm cơ thể, tránh các tình huống bị giảm nhiệt độ đột ngột.
Đột quỵ là một tình trạng có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có tàn tật và tử vong. Do đó, kể từ khi bắt đầu có triệu chứng đột quỵ, cần đưa người bệnh đi cấp cứu trong vòng 03 – 4,5 giờ để đảm bảo người bệnh được can thiệp kịp thời và hạn chế tối đa các biến chứng sức khỏe.
(Nguồn www.umcclinic.com.vn)