Bệnh mạch máu chi dưới mạn tính là gì?

Đã đăng trên Y học thường thức 61 lượt xem

Bệnh mạch máu chi dưới (PAD) là tình trạng mạch máu chân bị hẹp hoặc tắc nghẽn do xơ vữa. Đây là bệnh mạch máu ngoại vi cần can thiệp sớm nếu không có thể dẫn đến cắt cụt chi và tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.


Bệnh mạch máu chi dưới do xơ vữa mạch máu

1. Bệnh mạch máu chi dưới mạn tính là gì?

Nội dung chính

Xơ vữa mạch máu xảy ra do sự tích tụ của các mảng bám lipid và các chất sợi giữa các lớp của thành mạch, gây ra các bệnh về mạch máu của tim, não và các mạch máu ngoại vi. Khi mạch máu chân bị hẹp hoặc tắc nghẽn do xơ vữa, được gọi là bệnh mạch máu chi dưới (PAD – Peripheral Artery Disease). 

Đây là một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng của thế kỉ 21 cùng với sự gia tăng tuổi thọ trung bình, ước tính tỷ lệ phổ biến bệnh mạch máu chi dưới mạn tính trên toàn thế giới nằm trong khoảng từ 3 đến 12%. 

Vào năm 2010, có 202 triệu người trên toàn thế giới sống với bệnh mạch máu chi dưới.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh mạch máu chi dưới mạn tính

Nguyên nhân gây bệnh mạch máu chi dưới là do sự tích tụ của cholesterol trong các mạch máu. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh xơ vữa mạch máu (90 đến 95% các trường hợp). 

Sự dư thừa cholesterol dẫn đến sự tích tụ trong lớp nội mạc của các mạch máu, được gọi là các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này gây ra viêm nhiễm trong các mạch máu, gây hẹp lòng động mạch.


Bệnh mạch máu chi dưới thường gặp ở người lớn tuổi

Bệnh nhân dễ mắc bệnh hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như: 

– Nam giới.

– Lớn tuổi (trên 65 tuổi).

– Hút thuốc lá.

– Đái tháo đường.

– Tăng mỡ máu.

– Tăng huyết áp.

– Thừa cân béo phì.

– Bệnh thận mạn.

– Mắc bệnh xơ vữa mạch máu ở các vị trí khác như hẹp động mạch vành, hẹp động mạch cảnh, phình động mạch chủ bụng…

3. Triệu chứng của bệnh mạch máu chi dưới mạn tính

Bệnh mạch máu chi dưới mạn tính thường không có triệu chứng trong thời gian đầu. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng kinh điển của bệnh thường là đau cách hồi bắp chân. 

Cơn đau xuất hiện hoặc nặng hơn khi đi bộ hoặc khi tập thể dục và giảm khi nghỉ ngơi, kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Ngoài ra cũng có thể đau ở vùng đùi, mông hoặc bàn chân. Các cơn đau có thể ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, làm việc cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bên cạnh đau chân, bệnh nhân cũng có thể các các dấu hiệu khác như:

– Tê chân

– Dị cảm chân

– Thay đổi màu sắc da

– Cảm giác chân bị bệnh lạnh hơn chân không bệnh

Khi bệnh tiến triển nặng hoặc ở giai đoạn muộn, các cơn đau xuất hiện ngày càng nặng, thậm chí cả khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm. 

Giai đoạn cuối của bệnh sẽ xuất hiện các vết loét, hoại tử ở các đầu ngón chân, bàn chân, cẳng chân. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử chân phải cắt cụt.


Bệnh mạch máu chi dưới gây đau bắp chân

4. Cách chẩn đoán bệnh mạch máu chi dưới mạn tính

Chẩn đoán bệnh mạch máu chi dưới cần kết hợp thăm khám lâm sàng (sờ mạch chân, đánh giá vết thương,…) và các xét nghiệm đặc hiệu như đo chỉ số huyết áp động mạch cổ chân và động mạch cánh tay ABI (Ankel-Brachial Index). 
Ý nghĩa của chỉ số ABI:

– ABI > 1,4: Động mạch không đè xẹp

– ABI 1,0 – 1,4: Bình thường 

– ABI 0,91-0,99: Vùng nghi ngờ

– ABI ≤ 0,9: PAD

Chẩn đoán bệnh mạch máu chi dưới được đặt ra khi ABI ≤ 0,9.

Khi đã chẩn đoán được PAD hoặc đối với các trường hợp còn nghi ngờ, không rõ ràng, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm Doppler mạch máu chi dưới, chụp cộng hưởng từ mạch máu hoặc CTA được sử dụng để xác định chẩn đoán cũng như lên kế hoạch điều trị hợp lí.


Đo ABI để chẩn đoán bệnh mạch máu chi dưới

5. Tiến triển của bệnh mạch máu chi dưới

Sự tiến triển của bệnh mạch máu chi dưới phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, thường tiên lượng không tốt nếu không được điều trị. 

Đối với bệnh nhân đau chân khi đi lại, sự tiến triển của bệnh thường diễn ra chậm, tỉ lệ cắt cụt chân sau 5 năm khoảng 7% và 12% sau 10 năm. Tuy nhiên, nếu bệnh đã đến giai đoạn muộn (đau khi nghỉ hoặc loét ngón, bàn chân), tỉ lệ cắt cụt chân lên đến 40% và tỉ lệ tử vong là 20% trong vòng 6 tháng.

Các bệnh nhân PAD giai đoạn đau khi đi lại cũng có tỷ lệ tử vong cao 15% đến 30% trong vòng 5 năm, phần lớn (75% do các nguyên nhân tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…).

Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ cắt cụt cao hơn đối với những bệnh nhân đái tháo đường hoặc những bệnh nhân không cai thuốc lá.

6. Cách điều trị bệnh mạch máu chi dưới mạn tính

Điều trị cơ bản ban đầu đối với bệnh mạch máu chi dưới mạn tính giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ bao gồm:

– Ngừng hút thuốc lá.

– Kiểm soát bệnh tiểu đường, kiểm soát huyết áp và cholesterol máu.

– Tập thể dục, đi bộ theo một chương trình phù hợp.

– Thay đổi chế độ ăn.

Một số loại thuốc (như cilostazol) được sử dụng để giảm nhẹ triệu chứng, tăng lưu lượng máu đến chân và giúp tăng khoảng cách đi bộ cho người bệnh. 

Khi bệnh không đáp ứng với các phương thức trên hoặc bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, hoặc triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, vấn đề can thiệp được đặt ra để tăng lưu lượng máu đến chân. 


Phẫu thuật bắc cầu điều trị bệnh mạch máu chi dưới

Các phương pháp can thiệp có thể bao gồm:

– Can thiệp nội mạch – để nong bóng (+/- đặt stent động mạch): Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa một ống mỏng có bóng ở đầu vào động mạch bị tắc nghẽn. Sau đó, làm phồng bóng để mở rộng phần tắc nghẽn. Đôi khi, bác sĩ sẽ sử dụng thêm một ống mạng nhỏ gọi là “stent” để giữ động mạch mở. Stent sẽ ở lại trong cơ thể.

– Phẫu thuật bắc cầu: Bác sĩ sẽ làm một cầu nối bằng tĩnh mạch tự thân của bệnh nhân hoặc bằng ống ghép nhân tạo. Cầu nối sẽ nối phía trên và phía dưới vùng động mạch bị tắc, giúp đưa máu đến phần chân phía dưới.

– Phẫu thuật kết hợp mổ hở và can thiệp: Phẫu thuật này mở động mạch vùng bẹn, loại bỏ mảng xơ vữa trong lòng mạch sau đó can thiệp nong đóng, đặt stent vào các vùng bị tắc hẹp khác.

Việc lựa chọn can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu sẽ được bác sĩ thảo luận cùng với bệnh nhân, dựa trên triệu chứng, mức độ tắc hẹp mạch máu, tuổi tác, thể trạng và mong muốn của bệnh nhân.

(Nguồn www.umcclinic.com.vn)