Sơ cứu vết thương chảy máu (Phần 1)

Đã đăng trên Y học thường thức 31 lượt xem

Chảy máu là biểu hiện thường xảy ra sau chấn thương. Chấn thương gây chảy máu có thể xảy ra ở bên ngoài cơ thể (chảy máu bên ngoài) hoặc bên trong cơ thể (xuất huyết nội). Phạm vi bài này sẽ đề cập đến các vết thương chảy máu nhìn thấy được từ bên ngoài.

Vết thương chảy máu nhỏ có thể tự lành khi cơ thể tạo ra cục máu đông để cầm máu. Tuy nhiên, khi máu chảy nhiều hơn và không tự cầm được thì việc sơ cứu là cần thiết. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây thương tích.

Phân loại chảy máu dựa trên nguồn gốc: có 3 loại chảy máu có đặc điểm khác nhau tùy thuộc vào đó là máu từ động mạch, tĩnh mạch hay mao mạch. 

  • Chảy máu động mạch thường là nghiêm trọng nhất. Máu có thể từ động mạch bị tổn thương sẽ chảy thành tia theo nhịp tim của nạn nhân. Điều này là do máu chịu áp lực trực tiếp từ hoạt động bơm của tim. Chảy máu động mạch là một trường hợp khẩn cấp và thường dẫn đến lượng máu bị mất nhiều nhất trong số 3 loại chảy máu.
  • Chảy máu tĩnh mạch cũng có thể nghiêm trọng vì tĩnh mạch cũng mang một lượng máu lớn. Không giống như chảy máu động mạch, máu thường không thành tia như động mạch mà rỉ rả liên tục từ tĩnh mạch bị tổn thương. Mặc dù vậy, chấn thương tĩnh mạch vẫn có thể dẫn đến mất máu nhanh chóng.
  • Chảy máu mao mạch xảy ra ở tất cả các vết thương. Đây là loại chảy máu ít nghiêm trọng nhất trong 3 loại chảy máu vì nó dễ kiểm soát nhất và ít gây mất máu nhất.

Ngay khi có vết thương gây chảy máu, cơ thể lập tức kích hoạt quá trình đông máu nhằm hình thành cục máu đông, quá trình này thường  kéo dài 3 đến 7 phút. Vì vậy việc chúng ta có thể làm là giúp quá trình đông máu thuận lợi hơn bằng cách sơ cứu cầm máu đúng cách, tránh mất máu và các biến chứng khác.

NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu

Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu.

– Nhanh chóng ép trực tiếp lên vết thương bằng miếng vải sạch gập thành nhiều lớp. Giữ tối thiểu 15 phút cho đến khi cầm máu

– Nếu vết thương chảy máu nhiều, ĐỪNG lãng phí thời gian tìm kiếm băng gạc, hãy dùng chính bàn tay của bệnh nhân hay bàn tay của bạn để ép vết thương lại (nếu nạn nhân không thể tự làm việc này). Nếu máu tiếp tục chảy: băng ép một lớp vải quanh vết thương. Khi máu thấm qua băng gạc, đừng gỡ lớp gạc cũ mà tiếp tục đè ép bằng một lớp gạc mới rồi tiếp tục băng ép lại.

-Gập chi tối đa: gập cẳng tay vào cánh tay, cánh tay vào thân người hoặc cẳng chân vào đùi, đùi vào người nhằm mục đích nhờ các khối cơ đè ép lên mạch máu làm máu ngưng chảy

Đối với vết thương động mạch: dùng ngón trỏ hoặc ngón cái ấn chặt theo đường đi của động mạch, hoặc đặt cuộn băng chèn lên đường đi của động mạch rồi băng lại. Nếu chưa được huấn luyện về cầm máu, hãy gọi giúp đỡ ngay trước khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

2. Nâng cao vùng bị tổn thương

– Ðặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái thuận tiện, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu tới vùng này.
– Dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức ga rô.

3. Để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối

– Kể cả khi bị thương ở tay hay nửa trên của người, bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi trong tư thế thuận tiện ít nhất 10 phút để giúp cầm máu, tư thế đầu thấp chân cao giúp máu dồn về tim tốt hơn
– Giữ yên tĩnh cho nạn nhân, động viên an ủi nếu nạn nhân tỉnh táo, nởi lỏng quần áo, giữ ấm tránh hạ thân nhiệt

-Theo dõi dấu hiệu mất máu: da xanh tái, vã mồ hôi; kích thích, bứt rứt; mạnh nhanh, nhẹ

4. Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế

– Nếu vết thương nhỏ và nạn nhân có thể di chuyển bằng ô tô xe máy thông thường thì chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần đó.
– Nếu vết thương nặng hay tình trạng nạn nhân xấu thì gọi cấu cứu 115 càng sớm càng tốt.
– Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các loại dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể. Nếu không có găng thì dùng túi nilon thông thường để thay thế.

(Nguồn bvndtp.org.vn)