Phòng đột quỵ khi tập thể dục chơi thể thao

Đã đăng trên Y học thường thức 42 lượt xem

Theo Hội hô hấp Việt Nam, trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc tập thể dục, chơi thể thao đã được cảnh báo ngày càng nhiều, đáng tiếc nhất là những trường hợp đột quỵ mà trước đó bệnh nhân cứ tưởng mình hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì đáng ngờ.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Vì vậy, nguyên nhân đột quỵ được xác định là do não bị thiếu máu khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (vì hẹp động mạch bởi động mạch bị xơ vữa hoặc do cục máu đông hoặc cục xơ vữa động mạch ngay tại não hoặc cục xơ vữa động mạch bị bong ra từ nơi khác trong cơ thể theo dòng máu đưa đến) hoặc do động mạch não bị vỡ khiến cho não không nhận đủ oxy gây ra tình trạng đột quỵ. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và não bị tổn thương. Đột quỵ não chính là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao và nếu sống sẽ để lại một số di chứng về tâm thần kinh, vận động vĩnh viễn cho người bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao

Trong quá trình vận động tập luyện thể thao với cường độ lớn, nhịp tim cũng như huyết áp thay đổi thất thường nhất là ở người có sẵn bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tăng mỡ máu, đái tháo đường, bệnh về hô hấp…  khó kiểm soát, đồng thời các cơ quan này cũng hoạt động nhanh hơn bình thường rất nhiều từ đó có thể gây ra tình trạng thiếu máu lên não, dẫn đến não thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết dễ dàng dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, khi tập thể dục, thể thao quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều mà người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Theo các chuyên gia y tế những người có tiền sử mắc bệnh về tim mạch, bệnh liên quan tới hệ hô hấp nếu không biết cách tập thể dục, thể thao hiệu quả thì có thể đột quỵ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, người cao tuổi hoặc người nghiện rượu, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích cũng không nên chủ quan trong khi tập luyện thể dục, thể thao bởi họ được xếp vào nhóm có nguy cơ đột quỵ sau luyện tập thể thao tương đối cao.

Một số triệu chứng báo hiệu đột quỵ

Những dấu hiệu đột quỵ sớm có thể là đột nhiên đau đầu dữ dội, cứng cổ, đi lại khó khăn, loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, tối sầm, tê một bên cơ thể, buồn nôn, mất thị lực, nhìn đôi, mất ý thức, khó đánh thức, thậm chí một số trường hợp tử vong ngay.

Những ai có nguy cơ đột quỵ khi chơi thể thao hoặc tập thể dục

Nhóm thứ nhất xảy ra trên người có sẵn yếu tố nguy cơ hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít.

Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình. Ví dụ, những người này chỉ có khả năng chạy được 5km, sau tập luyện đẩy lên 10km, 20km, nhưng họ lại cố gắng chạy 50km, thậm chí nhiều hơn nữa… nên không phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại. Vì vậy, vận động gắng sức không đúng phương pháp có thể là điều kiện thuận lợi gây khởi phát đột quỵ ở những người trẻ có yếu tố nguy cơ tiềm tàng. 

Cảnh giác đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao

Đột quỵ khi luyện tập thể thao nguyên nhân là do người bệnh đã có sẵn các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh nền, tuổi cao kết hợp với thời tiết nóng hoặc lạnh đột ngột. Ngoài ra, nếu người tập cũng không thể kiểm soát được mức độ luyện tập sẽ đưa đến tình trạng vận động một cách quá mức dẫn đến đột quỵ. Theo các chuyên gia, việc luyện tập thể dục hoặc chơi thể thao với cường độ thấp, nhẹ hoặc trung bình nhưng đều đặn sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tập thể dục cường độ cao nhằm giúp cơ thể người tập dẻo dai hơn và phòng ngừa một số bệnh lý nguy hiểm khác như đái tháo đường, tim mạch, thừa cân…

Nguyên tắc xử trí khi thấy người tập thể dục, chơi thể thao bị đột quỵ

Khi thấy người nghi bị đột quỵ hay đã thực sự đột quỵ, ngay lập tức gọi cấp cứu 115 vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất. Việc làm này rất cần thiết nhằm tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để “cứu não” nếu người bệnh có bất cứ biểu hiện của các triệu chứng nêu trên. Song song, để giúp người bệnh thở tốt, cần giữ thông thoáng môi trường xung quanh trong khi chờ xe cấp cứu đến. Lúc này cần hết sức bình tĩnh, đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng nếu người bệnh còn tỉnh táo. Cần đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc người bệnh có dấu hiệu nôn mửa. Để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng bấm huyệt, châm cứu, đánh gió. Không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu có thể tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80 – 100 lần một phút) đến khi tim đập lại trong trường hợp bệnh nhân không có mạch hoặc ngừng thở.

Phòng đột quỵ khi chơi thể thao, tập thể dục 

Ai cũng có thể tập thể dục, chơi thể thao nhưng thể trạng của mỗi người không giống nhau, do đó, cần phải dựa vào tình trạng sức khỏe để áp dụng lượng bài tập phù hợp, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. 

Khi tập luyện, cần giữ nhịp tim ở vùng an toàn (< 75% nhịp tim tối đa), nên kiểm tra huyết áp mỗi ngày (huyết áp luôn giữ ổn định ở mức 120/80mmHg), luôn mang theo thuốc xịt hen suyễn (nếu bị bệnh hen suyễn); khi mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, hô hấp cần lưu ý chế độ tập luyện, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Nên duy trì ngủ đủ 7 – 8 giờ trong mỗi một ngày, đêm. Để cải thiện và duy trì tình trạng sức khỏe tốt nên tập luyện chỉ 3 – 5 ngày/tuần. Hạn chế những thức ăn có hàm lượng cholesterol cao (lòng đỏ trứng, thịt đỏ, tôm…). Một số thói quen xấu khiến nhiều người có thể bị đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao cần được cải thiện hoặc từ bỏ như lạm dụng đồ uống có cồn hoặc có thói quen thức khuya, sinh hoạt không điều độ sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch. Cần hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, đặc biệt người đã có bệnh nền. Cần có lịch trình làm việc và nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thẳng thần kinh, tránh thức khuya. Nên lưu ý, vào mùa lạnh, khi chơi thể thao, tập thể dục cần khởi động kỹ càng hơn trước khi tập luyện và vận động tăng dần. Đặc biệt, việc tập luyện thể dục, chơi thể thao, chạy bộ cần hoạt động thường xuyên để giúp cơ thể có thói quen vận động, cũng như nâng cao sức khỏe tim mạch và thể lực. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo khi tập luyện thể chất, bạn cần lắng nghe cơ thể nếu nếu thấy có một số dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng hoặc huyết áp tụt… phải ngừng tập ngay và đi khám để được phát hiện bệnh, điều trị kịp thời.

(Nguồn thuocsuckhoe.vn)