U nang buồng trứng có thai được không?

Đã đăng trên Y học thường thức 52 lượt xem

U nang buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Vậy chị em phụ nữ bị u nang buồng trứng có thai được không?

1. BỆNH U NANG BUỒNG TRỨNG LÀ GÌ?

Nội dung chính

Ở phụ nữ, buồng trứng là cơ quan nội tiết, tạo ra trứng để thụ thai khi gặp tinh trùng. Bất kỳ sự tăng sinh nào ở buồng trứng cũng có thể tạo ra bệnh u nang buồng trứng. 
Bệnh u nang buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, thậm chí có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào từ bé gái đến phụ nữ mãn kinh. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh u nang buồng trứng chiếm khoảng 5 – 10% dân số từ người bình thường hay phụ nữ mang thai. Bất kỳ chị em phụ nữ cũng có thể mắc bệnh u nang buồng trứng. 


Bệnh u nang buồng trứng có nguy hiểm không?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ sẽ bị mắc ít nhất một khối u nang trong đời. Bệnh u nang buồng trứng chiếm khoảng 3.6% tỷ lệ bệnh lý phụ khoa. Ở hầu hết các trường hợp, bệnh là u nang lành tính, không có bất kỳ triệu chứng cũng như không gây hại đến sức khỏe chị em phụ nữ.

2. BỆNH U NANG BUỒNG TRỨNG Ở CHỊ EM PHỤ NỮ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Thông thường, bệnh u nang buồng trứng ở cả hai bên, hoặc chỉ ở buồng trứng phải, trái, có thể không gây hại cho sức khỏe. Bệnh có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm tính mạng. 

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh u nang buồng trứng tiến triển âm thầm và chậm, có thể kéo dài nhiều năm. Từ đó, chèn ép cơ quan nội tạng và có thể gây biến chứng nguy hiểm như:

– Biến chứng xoắn u nang: Biến chứng xoắn u nang có thể xảy ra ở mọi khối u, thường là các khối u có cuống dài, khối u nhỏ, không dính và rất dễ bị xoắn. Khi xảy ra tình trạng xoắn ở khối u, người bệnh có thể gặp các triệu chứng đau bụng liên tục, dữ dội, buồn nôn, nôn, đôi khi cảm thấy choáng vì đau. Khi tiến hành thăm khám sẽ thấy bụng có dấu hiệu chướng ấn đau hạ vị, có thể xuất hiện phản ứng ngay thành bụng. Ngoài ra, khi thăm khám âm đạo có thể thấy khối u to, ấn vào cảm thấy đau nhói. 


Bệnh u nang buồng trứng có thể mang thai không?

– Biến chứng buồng trứng bị vỡ u nang: Khi bên trong khối u có áp lực dịch quá lớn có thể khiến u nang bị vỡ. Khi đó, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng đột ngột đau bụng và liên tục. Ở một số trường hợp, khi tình trạng vỡ nang xảy ra có thể xuất hiện chảy máu trong ổ bụng. Từ đó, người bệnh có thể thấy choáng và ngất xỉu. Các hội chứng nhiễm khuẩn, khám âm đạo chạm u dính và khi ấn vào cảm thấy đau, phản ứng ở phúc mạc có thể xuất hiện sau khi nang vỡ. Lúc này, người bệnh có thể bị đe dọa đến mạng sống nếu không được điều trị kịp thời.

– Biến chứng nội tạng bị chèn ép: Khi khối u nang buồng trứng lâu ngày đã phát triển lớn, biến chứng nội tạng bị chèn ép có thể xảy ra. Khi đó, bàng quang có thể bị các khối u chèn ép, gây triệu chứng đau buốt khi tiểu tiện, trực tràng bị chèn ép dẫn đến táo bón hay chèn ép niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) dẫn đến bể thận bị ứ nước. Nguy hiểm hơn, các khối u có thể chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây ảnh hưởng tuần hoàn bàng hệ, có thể xuất hiện tình trạng phù nề hai chi dưới và cổ trướng.

3. PHỤ NỮ BỊ BỆNH U NANG BUỒNG TRỨNG CÓ THỂ MANG THAI ĐƯỢC KHÔNG? 

a. Các trường hợp bị bệnh u nang buồng trứng, có thể mang thai tự nhiên

Tùy theo tình trạng bệnh, phụ nữ bị bệnh u nang buồng trứng vẫn có thể mang thai ở một số trường hợp như:

– Bị u nang cơ năng: Khi mắc bệnh u nang cơ năng, phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai bình thường. Do các khối u nang này có thể tự tiêu, sau khi phát hiện và chẩn đoán bệnh kịp thời, bệnh nhân chỉ cần thăm khám, theo dõi định kỳ cùng bác sĩ từ 3-6 tháng/ lần.

– Bị u nang buồng trứng một bên (u nang buồng trứng bên phải hay u nang buồng trứng bên trái) hay đã được thực hiện cắt một buồng trứng hay mổ bóc u: Phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường.

– Bị u nang buồng trứng hai bên, đã tiến hành mổ bóc u: Lúc này, buồng trứng có thể lành hoặc bóc u một bên và cắt u một bên. Chị em có thể mang thai được nhưng với khả năng thấp hơn.


Phụ nữ bị bệnh u nang buồng trứng có thể mang thai bằng thụ tinh nhân tạo

b. Các trường hợp bị bệnh u nang buồng trứng, không thể mang thai tự nhiên:

Có hai loại u nang buồng trứng đã được quan sát là có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản là u lạc nội mạc tử cung và u nang buồng trứng do hội chứng buồng trứng đa nang. Những u nang này cần thiết phải điều trị vì chúng có thể cản trở khả năng mang thai và thai kỳ về sau:

– Hội chứng buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang (PCOS) là một hội chứng gây ra do rối loạn cân bằng Hormone. Hiến muộn là triệu chứng thường gặp nhất khiến phụ nữ PCOS đến khám và tư vấn bác sĩ. Nguyên nhân chính gây hiếm muộn ở phụ nữ PCOS là rối loạn phóng noãn dẫn đến giảm khả năng sinh sản.

– U lạc nội mạc tử cung

U lạc nội mạc tử cung là một loại u nang có bản chất là mô nội mạc tử cung, phát triển bất thường trong buồng trứng. Các u lạc nội mạc tử cung khi tiến triển có kích thước lớn sẽ gây ảnh hưởng khả năng sinh sản. Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến tắc ống dẫn trứng gây vô sinh.
Hơn thế nữa, u lạc nội mạc tử cung có thể làm xáo trộn chức năng sinh lý của một buồng trứng bình thường, ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Một số trường hợp còn có chỉ định cắt bỏ buồng trứng do u, khiến phụ nữ có nguy cơ vô sinh.

Có thể thấy, bệnh u nang buồng trứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chị em phụ nữ, đặc biệt đến khả năng mang thai và sinh sản. Vì thế, chị em phụ nữ không nên lơ là nếu bản thân gặp các triệu chứng bất thường. Hãy nhanh chóng thăm khám cùng bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Ngoài ra, chị em phụ nữ nên tập cho mình lối sống lành mạnh, khoa học để ngăn ngừa bệnh xảy ra và có cho mình kế hoạch thăm khám sản phụ khoa định kỳ cùng bác sĩ để tầm soát bệnh lý sớm nhất có thể và hiệu quả.

(Nguồn www.umcclinic.com.vn)