Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh hô hấp mạn tính gây ra triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè, đau tức ngực. Quản lý bệnh tốt giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh hen suyễn. Cách tốt nhất để phòng ngừa cơn hen là tránh các tác nhân gây bệnh, dùng thuốc ngăn ngừa triệu chứng và có kế hoạch hành động khi cơn hen xảy ra.
Kiểm soát bệnh hen suyễn nâng cao chất lượng cuộc sống
Dưới đây là 06 cách phòng ngừa cơn hen cho người hen suyễn:
1. Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn ngoài trời
Nội dung chính
Ô nhiễm không khí ngoài trời có thể do con người tạo ra (phương tiện giao thông, khí thải nhà máy, khói đốt…) hoặc do tự nhiên (cháy rừng, tro núi lửa, bụi…). Trong những thời điểm ô nhiễm không khí tăng thì số người nhập viện vì các vấn đề hô hấp cũng tăng theo, trong đó có bệnh nhân hen suyễn.
Bên cạnh đó, thời tiết, phấn hoa… cũng là các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và có thể gây khởi phát cơn hen.
Các biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa cơn hen do tác nhân ngoài trời:
– Thường xuyên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí (AQI).
– Hạn chế ra ngoài những ngày AQI cao, nhất là khi AQI trên 101 sẽ gây nguy hiểm cho người hen suyễn.
– Tránh tập thể dục gần khu vực giao thông đông đúc, khu vực đang xây dựng, thời điểm lượng phấn hoa trong không khí cao.
– Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là khi đến những khu vực ô nhiễm.
– Khi thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể, tránh tập thể dục gắng sức.
– Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá thụ động.
Người bệnh hen suyễn nên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí
2. Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn trong nhà
Các tác nhân gây hen suyễn có thể tồn tại trong ngôi nhà của bạn. Một số rất dễ phát hiện như bụi, phấn hoa hay nấm mốc. Nhưng có những tác nhân ẩn náu trong không khí và vật dụng trong nhà mà chúng ta không thể nhận ra. Vì vậy, bệnh nhân hen cần cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng cách giảm các nguồn có thể gây kích thích cơn hen.
Để phòng ngừa hen suyễn, bạn nên:
– Sắp xếp đồ vật trong nhà ngăn nắp.
– Thường xuyên hút bụi, lau dọn nhà cửa, đồ dùng.
– Loại bỏ hoặc thay thế các loại thảm vải vì bụi bặm, phấn hoa, mạt nhà… có thể bám vào và ẩn nấu bên trong.
– Dùng giẻ lau ẩm làm sạch bụi trên các thiết bị quạt, quạt trần, đèn treo và các thiết bị điện tử khác.
– Sử dụng quạt hút hoặc thông khí trong nhà bếp và phòng tắm.
– Luôn bảo quản thức ăn trong hộp hoặc bọc kỹ.
– Sử dụng thùng rác có nắp đậy.
– Lau sạch các vết đọng thức ăn, luôn rửa sạch chén dĩa sau khi sử dụng để phòng ngừa gián.
– Thường xuyên lau chùi vật dụng bếp, kể cả nóc tủ lạnh hay máy hút mùi.
– Hút bụi ghế sofa, rèm cửa, nệm phòng ngủ hằng tuần.
Lau dọn nhà cửa để loại bỏ tác nhân gây hen suyễn
– Không để thú cưng vào phòng ngủ, nhất là nằm trên giường ngủ.
– Không chất đống quần áo ẩm trong phòng.
– Thường xuyên giặt thú nhồi bông bằng nước nóng để tiêu diệt mạt nhà và trứng mạt. Với những loại thú nhồi bông không giặt được, có thể đặt vào túi kín và bỏ vào ngăn đông 24 giờ, sau đó đem đi sấy.
– Tránh sử dụng các sản phẩm thuốc tẩy và hóa chất tẩy rửa mạnh. Thay vào đó, có thể sử dụng các sản phẩm tẩy rửa thân thiện với bệnh hen suyễn.
– Đóng cửa nhà trong mùa phấn hoa hoặc khi không khí ngoài trời ô nhiễm nặng.
– Tránh dùng các sản phẩm có mùi hương nồng như nến, nhang.
– Sử dụng máy lọc không khí trong nhà.
– Kiểm tra chất lượng hệ thống thông gió tầng hầm.
– Bảo trì máy sưởi/máy điều hòa không khí định kỳ.
– Thường xuyên kiểm tra vết thấm hay ẩm mốc trên tường nhà để xử lý.
3. Tiêm ngừa vaccine để phòng ngừa hen suyễn
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, Covid-19 hoặc viêm phổi có thể làm khởi phát cơn hen hoặc khiến bệnh hen trở nặng. Người bệnh hen suyễn nên tiêm phòng vaccine cúm, phế cầu định kỳ và các loại vaccine khác theo tư vấn của bác sĩ.
Việc tiêm vaccine không đảm bảo bạn không bị bệnh nhưng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và làm nhẹ các triệu chứng khi nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần có các biện pháp đề phòng nhiễm bệnh là:
– Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khu vực đang có dịch bệnh.
– Hạn chế tiếp xúc với người có các triệu chứng của bệnh.
– Tránh đưa tay sờ lên mắt mũi miệng.
– Luôn rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc nước rửa tay sát khuẩn mỗi khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, sau khi đi từ ngoài trở về.
– Thay quần áo khi đi từ ngoài trở về nhà.
Bệnh nhân hen suyễn nên tiêm phòng vaccine cúm hằng năm
4. Có kế hoạch hành động chống hen suyễn
Nếu bị hen suyễn, bạn cần có kế hoạch hành động hen phù hợp với mức độ nặng của hen và tình trạng sức khỏe chung của mình. Kế hoạch này sẽ được bác sĩ hướng dẫn cho người bệnh.
Bệnh nhân hen suyễn cần tự theo dõi triệu chứng và/hoặc chức năng hô hấp (dùng lưu lượng đỉnh kế theo dõi) để biết cách nhận ra các triệu chứng cơn hen, tự phát hiện và xử trí các tình huống bệnh nặng hơn.
Kế hoạch hành động hen cũng giúp bạn biết khi nào cần liên hệ bác sĩ hoặc cơ sở y tế.
5. Dùng thuốc hen suyễn theo hướng dẫn của bác sĩ
Một trong những yếu tố khiến triệu chứng hen nặng hơn đó là người bệnh sử dụng thuốc không đúng cách, phổ biến là không tuân thủ điều trị và kỹ thuật hít không đúng.
Hen suyễn là bệnh lý mạn tính, việc kiểm soát hen là sử dụng thuốc đều đặn để không xuất hiện triệu chứng hen chứ không phải đợi có triệu chứng mới dùng thuốc cắt cơn hen.
Để ngăn ngừa cơn hen xuất hiện, bệnh nhân hen cần hết sức phối hợp cùng bác sĩ trong việc điều trị bệnh. Sử dụng thuốc kiểm soát hen theo chỉ định ngay cả khi ít có triệu chứng. Cần tái khám thường xuyên và thông báo cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc hoặc có mong muốn điều chỉnh thuốc kiểm soát hen.
Quan sát và thực hiện lại kỹ thuật sử dụng bình hít khi nhân viên y tế hướng dẫn. Nếu chưa hiểu hoặc không chắc chắn, hãy hỏi lại nhân viên y tế để đảm bảo sửa được lỗi kỹ thuật hít. Mỗi lần tái khám, hãy thực hiện lại và hỏi nhân viên y tế xem có đúng kỹ thuật không.
Bệnh nhân hen suyễn cần tuân thủ điều trị
6. Chăm sóc sức khỏe tổng thể để phòng ngừa hen suyễn
Người bệnh hen suyễn cần khám và điều trị các bệnh đồng mắc góp phần gây ra triệu chứng hoặc đợt cấp hen, bao gồm:
– Rối loạn lo âu
– Trầm cảm
– Béo phì
– Viêm mũi họng mạn tính
– Tắc nghẽn thanh quản cảm ứng
– Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
– Ngưng thở khi ngủ
– Giãn phế quản
– Bệnh tim
– Gù vẹo do loãng xương
Ngoài ra, bạn cần nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách:
– Tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Nhưng người bệnh hen suyễn không nên tập thể dục gắng sức và cần biết cách xử trí cơn hen do gắng sức.
– Có chế độ ăn lành mạnh nhiều rau củ và trái cây. Tránh các loại thức ăn từng gây dị ứng hoặc có nhiều khả năng gây dị ứng.
– Học cách kiểm soát căng thẳng, kiểm soát cảm xúc như hít thở, thư giãn; tránh cảm xúc mạnh như cười to, sợ hãi, la hét, giận dữ…
– Ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng tùy theo nhu cầu cơ thể.
– Giữ cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
Với các biện pháp trên, người bệnh hen suyễn có thể kiểm soát tốt triệu chứng hen, giảm nguy cơ khởi phát cơn hen và có được cuộc sống năng động và chất lượng.
(Nguồn www.umcclinic.com.vn)